Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2011

Cây xoài cổ làng Phú Hội

Có từ hàng trăm năm nay, cây xoài thôn Phú Hội (xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, Phú Yên)  đã như một chứng nhân thầm lặng cho bao giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Qua bao mùa nắng mưa bão lũ, cây vẫn xanh tươi che rợp một vùng. Có lẽ chính cái linh khí ấy mà bao đời, người dân thôn Phú Hội luôn được no ấm đủ đầy…

Theo lời kể của ông Nguyễn Đình Tân, năm nay 80 tuổi- người có trí nhớ gần như thuộc nằm lòng về ký ức làng xóm thì cây xoài cổ thụ này đã có cách đây gần 400 năm. Thuở ấy, vào năm 1632  ông Nguyễn Độ người huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định đã di dân vào đây để khai sơn lập địa và trồng cây xoài này. Bởi vậy, con cháu đời sau cứ truyền miệng nhau và lấy mốc thời gian đó làm nền cho sự hình thành Phú Hội bây giờ.


Trẻ con vui chơi dưới gốc xoài cổ thụ- ảnh N.H

Theo tài liệu nghiên cứu của đồng chí Bùi Tân, Hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam thì trước đây, Phú Hội nằm trong làng Cự Phú. Đến năm 1890, làng Cự Phú tách ra thành 3 làng là Phú Hội, Phú Xuân và Phước Hòa. Sau cách mạng tháng  Tám 1945, lại nhập 2 làng Phú Hội và Phước Hòa thành  xã Nguyễn Lung- tên một nhà cách mạng Văn thân 1887-1892. Đến năm 1946 thì nhập với xã Võ Thiệp thành xã Xuân Phước ngày nay.

Ngay từ khi tách ra khỏi làng Cự Phú, người ta quen gọi xứ này là xứ Lỗ Cỏ với phía tây giáp Đá Chồng, Trà Kê. Phía nam giáp cao nguyên Vân Hòa . Phía bắc giáp làng Phú Xuân và phía đông giáp làng Phước Hòa. Dưới triều Nguyễn có thiết lập một trạm thơ ở đây gọi là trạm thơ Phú Hội. Cư dân sống đông đúc quen đường số 6 bis hướng lên Sơn Hòa, Sông Hinh và Mađrăk tỉnh Đăclăc.

Do được khai sơn lập địa khá sớm và vị trí trung tâm nên làng Phú Hội có đất đai rộng rãi và trù phú nhất vùng này. Người dân sống chủ yếu bằng nghề thuần nông nhưng canh tác trên diện tích rộng. Cây xoài từ lúc mở làng đến nay đã thành cổ thụ với sức 5 người mới ôm xuở.  Bộ rễ sân si gồ ghề gần như lộ thiên với nước thời gian ăn vào từng vân gỗ. Dưới gốc xoài là một khoảng đất rộng dùng làm nơi vui chơi cho trẻ con và là sân tập kết sắn mía, chuối Phú Hội vào mùa để từ đây, xe thương lái chở đi tứ xứ.

Người già trong thôn xem cây như linh vật , ngàn đời giữ được sắc xanh ấy cũng đồng nghĩa giữ được sự trù phú, hưng thịnh cho cả làng xóm. Qua mấy mùa hạn khô bão lũ, cây cối quắc khô ngã đổ song cây xoài vẫn bình lặng đứng, bình lặng vươn cành rợp mát một khoảng không. Hằng năm, cứ vào khoảng  tháng  4 tháng 5, cây xoài trĩu quả làm món quà quê cho lũ trẻ  suốt một thời gian dài. Xoài cổ thụ cho quả nhỏ hơn song ngọt thanh, hơn hết mang lại niềm tin về sự tốt lành của “lộc trời”  ban phát. Nhiều mặc khách khắp nơi từng lưu trú tại thôn này khẳng định rằng chưa bao giờ thấy cây xoài  nào to và cổ thụ đến thế. Đã vậy, vị trí lại đứng ở trung tâm làng xóm, trông lên phía nam có Hòn Dung đá gỗ, một kỳ công của thiên tạo với hình núi đá lục giác sừng sững giữa trời như cây gỗ. Phía đông là đình làng có từ những năm 1911 do Phạm Liễng- một lý trưởng thời đó xây dựng để cầu quốc thái dân an. Tuy đình làng đã đổ nát song vẫn còn dấu vết của nền nhà đông tây, nơi hội họp và chứa lương thực chung. Phía trước vẫn còn dấu tích trụ chính với những Hán tự xưa cũ. Cây  xoài xanh tốt lạ thường và thầm lặng làm chứng nhân cho bao cuộc vật đổi sao dời.

Bấy giờ, đời sống người dân Phú Hội phát triển hơn bao giờ hết. Sản lượng lương thực, cây kinh tế nhất là sắn,mía, đậu phụng và chuối gần như chiếm tỉ lệ cao nhất xã Xuân Phước. Dự án trục dọc miền tây tỉnh Phú Yên đi qua thôn Phú Hội mở ra một cơ hội mới về thông thương phát triển kinh tế cho người dân. Cây xoài một lần nữa in dấu ấn thời gian với bao nỗi khấp khởi vui mừng   của cuộc sống  cho sự ấm no sung túc.

Với bao con người Việt Nam, giếng nước, gốc cây cổ thụ làng tự ngàn đời đã là điểm tựa tâm linh. Với người dân thôn Phú Hội, cây xoài đã trở nên gần gũi với  niềm tin yên bình muôn thuở. Bao đứa con nơi này đã phương trưởng , công thành danh toại. Có người sang tận trời Tây và mang cả hình ảnh cây xoài cổ thụ đi theo như một niềm tự hào với bạn bè xứ khác. Để rồi cũng từ đó, neo bước con người trên khắp nẻo đường danh vọng, hướng trái tim về chốn quê nhà…









Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

Mộng du

29 Tháng Năm 2011 2:00 CH (GMT+0700)



“Đây có phải là giấc mơ không?”

Im lặng.

Màn đêm cựa quậy rồi rùng mình. Phía sau cũng là bóng tối dày đặc. Gương mặt đẹp với vành môi rất nhẹ sau mỗi nụ hôn dài lẩn khuất.

“Đây có phải là giấc mơ không?”

Lại im lặng. Vành môi khẽ bỏ đi. Tôi rơi hoài xuống những vực sâu hun hút. Không đau đớn, không lời oán trách nhưng toàn thân chống chếnh.


 Bao giờ Chi cũng về đúng lúc ấy, đánh thức tôi với bao mộng mị trong căn gác trọ hơn bốn mét vuông. Cánh cửa sổ duy nhất bị tòa nhà bên cạnh che khuất chỉ còn một thứ ánh sáng trắng khúc xạ sau tấm kính nhỏ. Căn phòng ngập trong những lộn xộn của những lần đi về vội vã, của vô số lần xáo trộn tìm đồ. Mùi giấy mới của những đống tạp chí chưa một lần lật mở, của mỹ phẩm, của cả vị biển Chi mang về sau chuyến đi dài ngày ở một miền quê nào xa lắc. Tôi nằm đó, lúc trống rỗng, lúc hỗn độn trong những mộng mị.

Tôi mường tượng ra những đứa trẻ anh đã dắt chúng đi. Gương mặt chúng là tấm gương phản chiếu một người phụ nữ đẹp ở đâu đó, sau bàn trang điểm, sau một cánh cửa sổ hay trên một chiếc giường. Tôi không biết gì về anh ngoài một gia đình đã vỡ và những đứa trẻ, hình như còn rất bé. Chi gần như gắt lên khi nghe hoài những lời lảm nhảm này và rủ cùng đi đến bệnh viện vì cả hai đều sắp phát điên.

Anh chưa bao giờ nói về một gia đình. Anh không thích có thêm những đứa trẻ.

“Đây có phải là giấc mơ không?”

Im lặng.

Tôi lao đến bên anh, tìm mọi ngóc ngách, xó xỉnh một tín hiệu, dấu vết của phụ nữ. Anh bình thản, mọi sự giải thích đều hợp lý và vành môi rất nhẹ. Tôi như con thác, ồn ã và lắng dịu dần khi đổ hết về hạ lưu, xuôi dòng. Anh đưa tôi về để xua tan mộng mị. Để khi đã khuất bóng, năm ngón run run chạm phải một sợi buộc tóc ai đó bỏ quên trong áo khoác mà anh khoác cho. Sợi dây với gam màu lạ mà tôi chưa bao giờ dùng.

Chi nói đi Vũng Tàu hai ngày. Vậy mà suốt một tuần chỉ còn mỗi một tín hiệu ò í e phát ra ngoài vùng phủ sóng. Đến ngày thứ tám, Chi về và đột nhiên rủ tôi uống rượu. Tôi không quen thứ men đắng chát nên rũ rượi. Chi cũng say khướt. Nó khóc, cười trong vô thức. Nó bảo quê nó đang mùa đãi sạn. Nó kể nhiều thứ, lẫn lộn. Tôi thấy mình ngụp lặn trên một con sông dài đang mùa nước cạn, những bàn chân đẫm nước, ken vàng và sần lên những hình thù kỳ dị. Ở đó có cả một người đàn bà với ba đứa con không cùng họ. Ở đó chỉ đông đúc khi mùa nước cạn, lũ lượt người ra đi từ mờ sáng gồng lưng đãi sạn và nhặt những con hến vàng nhạt bé bằng ngón tay cho bữa cơm chiều khi đã mờ mịt tối. Chi xoãi bàn chân mình. Thật lạ, Chi có khuôn mặt đẹp, một thân hình đẹp nhưng đôi bàn chân đối nghịch. Những cái móng chân màu hồng nhạt như chợt giãn dần ra, to mãi rồi vỡ nát, nhường lại cái thứ nước phèn vàng ken dày. Cái thứ váng nước mà dù có phủ lên bao nhiêu thứ sơn mới vẫn gồ ghề và sân si hằn nét rõ ràng trên từng vân móng…

Rưng rức khóc. Tôi ngủ trong nhộn nhạo của mùi cồn, nước mắt và những ảo giác.
Đã là tháng tư. Tháng tư mùa này ở quê thường mưa bất chợt. Mưa lớn như thác đổ. Đêm đến, khi ánh sáng đèn nhập nhòa le lói thì mối ra nhiều vô kể. Kiếp phù sinh này chỉ ồn ã trong một đêm mưa tạnh rồi rụng cánh chết tràn lan. Tôi mệt nhoài với những cánh mối nhẹ tênh, quét hoài vẫn bay loanh quanh tứ phía. Ngoài nghĩa trang, những cánh mối chất dày hơn nhưng chúng nằm im bởi đẫm ướt sương đêm. Bất giác, tôi thấy mình trở nên bất động xanh cỏ như những ngôi mộ im lìm.

“5 năm nữa nhé!”

“Anh cần thời gian đó. Mà cũng có thể hơn”.

“Là giấc mơ sao?”

Im lặng.

Tôi nói với anh những lời cay đắng nhất để rồi sau đó một mình ngụp lặn trong nỗi cô đơn tưởng chừng như vô tận. Tôi lại ào đến, nước mắt lại gột rửa hết mọi dỗi hờn, để chấp nhận một thế cờ tự mình sắp đặt. Cái nốt ruồi trên cổ áo cứ chập chờn ẩn hiện. Cái nốt ruồi mà cái thuở tôi còn chân đất cởi trần, ông thầy bói dạo đã phán rằng số người chỉ có thể làm kiếp tình nhân. Tôi đứng trước tấm gương mờ nước, chà xát đến bỏng rát. Tôi thương tổn chính mình như chính Chi từng làm thương tổn đôi bàn chân tội nghiệp. Sự thương tổn để chối từ những ý nghĩ cứ chập chờn ẩn hiện trong trí óc.
Tôi xua đi cảm giác trống vắng và cô đơn tột độ với lịch làm việc dày đặc. Tôi sợ những lập trình cũ kỹ nhàm chán như một quỹ đạo xoay vòng sẽ làm thừa thãi bao nhiêu thời gian để tôi có sức hoài nghi chính mình. Vậy nên cho dù đã nộp bài đủ định mức, tôi vẫn lao đi với những chuyến đi dài ngày, tận hang cùng ngõ hẻm để tự đày đọa mình quên đi và  chỉ trở về nhà khi đã mệt nhoài.

Vậy mà hằng đêm, trước khi chìm vào mộng mị, có cả chục cuộc điện thoại được gọi đi chỉ để nghe một tiếng ò í e vô nghĩa. Mọi thứ với anh đều thật nhẹ, thật bình thản.

Đã có lúc tôi thử bỏ đi đâu đó để rồi chỉ mấy ngày, như con thú bị thương, cần vành môi rất nhẹ ấy xóa hết những đau đớn, bụi bặm đợi chờ. Đã có lúc tôi thề sẽ bóp vụn trái tim ấy chỉ để cất kỹ cho riêng mình.

Tôi mơ nhiều về người phụ nữ ấy hơn. Chi cười ngạo nghễ, chỉ cho tôi con đường phía trước. Tôi đi chân trần, đạp lên vô số những cánh mối mỏng tang. Có cánh vươn trên tơ nhện phất phơ trước gió. Tôi lại hóa thành cánh mối mắc trên hằng hà tơ nhện…

Chi rũ xuống như một tàu lá héo. Suốt một tuần liền nằm liệt. Điện thoại reo liên hồi rồi tắt lịm. Cái tạp chí của nó thiếu những tin giật gân và sốt dẻo quả cũng sốt ruột. Chi hay nhếch mép trước những bài viết của chính mình, cái mà nó nói “chỉ toàn, những chuyện xương xẩu”. Có ai ngờ người đàn ông mà nó gọi “người tình không tuổi” lại chính là cố nhân của mẹ mình.

Chi trầm tĩnh hơn lúc bước lên tàu. Bấy giờ đã cuối tháng tư, sông đang mùa cạn nước. Tôi trở về với sự cô đơn. Bỗng chốc mọi thứ trở nên dễ chấp nhận hơn bao giờ hết. Tôi nghĩ đến ngày anh đến tìm ở nơi này nhưng không gặp. Sẽ gọi nhưng chỉ nhận được những âm thanh vô nghĩa. Tôi nghe tiếng Chi hòa trong tiếng nhà ga ồn ã “Nước hến đục ngầu nhưng rất ngọt”. Lần đầu tiên, tôi ngủ một giấc dài không mộng mị…

<>

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Ngày ở Bến Tre

Tập cầm dầm bơi xuồng qua kênh (giả bộ vậy chứ không biết bơi mà cũng không biết chèo xuồng!)


Đi chỗ nào cũng thấy dừa hết!


...Và cả dừa nước nữa! Bơi xuồng len trong tán dừa nước, bẻ dừa nước ăn thiệt ngon!
                           (H'Yuên, Phượng, Hạnh, Chi lên này xem lại cho đỡ  nhớ nghe!)

Sơn nữ ngày 30/4

                                Chuẩn bị, ai cũng điệu đà và tươi như hoa
                               Đi hết một vòng...quảng trường!
                                Mỏi chân rồi, nhưng vẫn cười- con gái mà!

Mù sương phố núi

22 Tháng Ba 2011 10:00 SA (GMT+0700)
 
Chảy từ chân núi La Hiên, sông Kỳ Lộ khi đi qua địa phận La Hai mang tên sông Cái, uốn khúc soi bóng cây cầu sắt trầm mặc. Thị trấn La Hai tựa một thung lũng nhỏ với thế núi nghiêng nghiêng bên đường ray chạy dài tít tắp của đường sắt Bắc Nam, và sương mù tháng tư ẩn chìm bóng áo khăn thiếu nữ. Có lẽ chính nhờ vị thế đắc địa và đặc ân của thiên nhiên mà con gái La Hai rất đẹp. Vậy mới có câu tương truyền rằng nhất gái La Hai...

cau-sat-La-Hai1100322.jpg
Cầu sắt La Hai  - Ảnh: D.T.XUÂN

NGƯỢC XUÔI NHỚ XỨ SƯƠNG MÙ

Dân tứ xứ khi xuôi tàu lửa Bắc Nam qua ga La Hai, ngang thị trấn nhỏ xíu nhưng vừa đủ thanh bình, vừa đủ sầm uất nhộn nhịp phố chợ thường ngẩn ngơ bởi không khí lãng đãng sương mù của những ngày tháng tư. Qua khu phố Long An, tưởng chừng như chỉ cần xòe tay ra là chạm ngay sườn núi, với tiếp tay kia là tiếp giáp với nước sông Cái lững lờ. Nếu về đêm, tàu đi qua ga sẽ mang một quầng ánh sáng rực rỡ, ồn ã, lướt qua những ngọn đèn hạt đỗ nhỏ xíu bên những dáng người chong chong bán thức ăn đêm.

Từ năm 1986, La Hai chính thức trở thành thị trấn huyện lỵ Đồng Xuân. Trong tài liệu nghiên cứu của ông Bùi Tân, hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam viết về địa danh Đồng Xuân, thì La Hai theo người Chăm pa xưa gọi là Giagơrai (Ergrai) có nghĩa là nước rồng. Người Chăm pa nhìn sự uốn lượn của sông Cái mà hình dung ra con rồng. Cũng bởi xuất phát từ chữ Ergrai - Nước Rồng mà khi người Việt đến sinh sống làm nên làng xóm, vẫn đặt tên cho vùng đất này là làng Phước Long. Từ “Phước” ở đây thể hiện quan niệm của người Việt, khi đặt tên làng tên xóm thường lấy những chữ như “phúc, phước, phú, đức...”, mong cho con cháu no ấm, làng xóm trường tồn.

Cho đến năm 1946, dưới thời Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, khi xây dựng xã, người ta đặt tên xã ở đây là Xuân Long. Các xóm của làng Phước Long trở thành thôn và đều đặt tên có chữ Long ở đầu như Long Thăng, Long Bình, Long Châu (hiện nay những nơi này đều trở thành khu phố thuộc thị trấn La Hai, cộng thêm khu phố Long An và Long Hà), Long Hòa, Long Nguyên, Long Mỹ, Long Thạch (đây là các thôn thuộc cánh bắc thị trấn, nay là các thôn của xã Xuân Long).

 Suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, La Hai trở thành trung tâm của chiến khu 5 tỉnh Phú Yên. Ga La Hai trở thành đầu mối giao thông quan trọng. Những chuyến tàu vào liên tục, đưa bộ đội và vận chuyển vũ khí, hàng hóa. Lực lượng từ miền Bắc vào miền Nam đều sử dụng cung đường này.

Đi qua thị trấn, có nhiều tuyến đường chính dẫn lên khắp các xã trong toàn huyện và đến các xã, huyện bạn. Song song với đường sắt Bắc Nam, có ĐT641 từ ngã ba Chí Thạnh huyện Tuy An đi qua xã Xuân Sơn Nam, đến trung tâm thị trấn, hướng lên Xuân Lãnh và đến huyện Vân Canh tỉnh Bình Định. Có ĐT642 từ ngã ba Triều Sơn - TX Sông Cầu chạy qua Xuân Sơn Bắc, đến trung tâm thị trấn, lên Xuân Quang 3, Xuân Phước và đến xã Sơn Định huyện Sơn Hòa…

Bên cạnh địa thế chung quanh đồi núi, giữa có sông nước lượn vòng, thiên nhiên lại thêm cho mảnh đất này những buổi sáng mù sương để đi vào câu hát. Sương giăng nhiều nhất là khi bước qua tháng Giêng và tháng 4. Dáng hình cầu sắt đã tạc vào thời gian lung linh bóng nước sông Cái cộng với bồng bềnh sương thành nỗi nhớ cho bao đứa con phố núi trên từng bước thăng trầm xa xứ.

Năm 2011, dự án Trục dọc miền tây Phú Yên đang được gấp rút thực hiện càng mở ra một cơ hội mới vì sự thông thương hết sức thuận lợi từ các huyện lỵ khác cũng như các xã xa xôi về trung tâm thị trấn. Đó như một dự báo về sự sầm uất và phát triển về cơ sở hạ tầng lẫn đời sống người dân nơi đây.

GIAI NHÂN PHỐ NÚI

Nhớ lúc còn ở miền Nam, tôi có anh bạn đã lớn tuổi từng đem lòng yêu cô gái La Hai. Duyên đã đượm nhưng cuối cùng xa cách. Anh chàng tha phương lập nghiệp rồi xây dựng gia đình êm ấm, vậy mà thẳm sâu trong trái tim vẫn ẩn chìm hình bóng cố nhân. Giữa đất phương Nam, từ chất giọng xứ nẫu, quen rồi thân nhau, anh bạn mới kể cho tôi nghe câu chuyện. Anh bảo con gái La Hai dịu dàng và rất đẹp. Thi thoảng về thăm quê, đất xưa mà người cũ không còn, thấy bóng áo khăn khác nghe lòng dịu vợi…

Anh bạn kia hẳn là nặng tình nhưng tiếng đồn về con gái La Hai quả không sai. Lúc mới ra trường, về thực tập tại Đài Phát thanh tỉnh Phú Yên, tôi nghe nhà báo Tường Văn và nhà báo Trí Thanh vẫn thường hay ngợi khen về nét đẹp của con gái phố núi. Lúc ấy, anh Trí Thanh, phóng viên đài, có hẳn một bài tùy bút viết về vẻ đẹp của thiếu nữ La Hai. Sau này, như có duyên kỳ ngộ, dù tuổi đời còn ít song lại được tiếp xúc, tôi quen biết và tâm giao với  một nhân vật trong bài tùy bút ấy, đó là cô Nguyễn Thị Hồng, giai nhân và cũng là một cây bút đầy nữ tính xứ này.

Đến nay, dù đã ở cái tuổi ngoại lục tuần, cô vẫn phảng phất nét thanh tao thời thiếu nữ. Đằm thắm ở sắc vóc, ngay cả dáng đứng đi và lời ăn tiếng nói cũng nhẹ nhàng từ tốn. Chợt nghĩ, giữa cái lãng đãng khói sương như trong bài hát La Hai tháng tư của cố nhạc sĩ Hoàng Thơ Huy, ngồi bên quán cà phê nhỏ sát mé chân cầu La Hai, ngắm bóng giai nhân bên phố thử hỏi tao nhân mặc khách nào không rung động, không nhớ nhung và quyến luyến vùng đất lạ kỳ này.

Nhà thơ  Đàm Chu Văn, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh  Đồng Nai và cũng là Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Đồng Nai hay đùa rằng: “Tiếng đồn con gái Phú Yên/ Đồng Nai đi cưới một thiên cá mòi”. Lúc tôi mới chân ướt chân ráo về xin chân hợp đồng ở báo Đồng Nai, cũng nhờ giọng xứ nẫu đặc sệt mà thân anh. Sau, mới biết anh cũng thiện cảm với vẻ thục nữ của con gái La Hai. Nhiều người đẹp La Hai xưa giờ theo chồng đi tứ xứ, người còn người mất và có lẽ giờ không ít người thành bà, thành cụ nhưng tiếng đồn về nhan sắc và nét duyên thầm của họ vẫn còn đến tận bây giờ. Cũng dễ hiểu vì người quân tử xưa nay vốn chuộng vẻ đẹp yêu kiều thục nữ. Con gái La Hai bây giờ vẫn cứ hây hây má hồng dù không son phấn bởi cái nắng cái gió và sương bồng bềnh phố núi. Trong se sắt của thời điểm chuyển mùa hay trong buổi sớm sương giăng, với tóc mây hờ hững, thiếu nữ phố núi đi qua cầu càng làm cho bức tranh sơn thủy trở nên thơ mộng.

Sẽ may mắn hơn nếu khách thập phương xuôi tàu ngang qua thị trấn, qua gác chắn trên đoạn đường chính nối từ UBND huyện xuống chợ, nhân lúc nữ sinh trường Lê Lợi tan trường với áo dài tinh khôi trắng phố, mới chợt ngỡ ngàng lưu luyến gửi lại một ánh nhìn qua ô cửa kính. Mà tàu lại trôi đi mang theo cả chút gì nặng nợ vô tình trên dặm đường gió bụi.

Tương truyền rằng bên cánh núi đông bắc La Hai, ban đêm khi các đường nét bị nhòa đi bởi sương giăng phủ, đứng bên hướng đồng lúa tiếp giáp chân cầu, nhìn hướng đó sẽ thấy dáng núi giống một cô gái nằm xõa tóc với nhấp nhô dốc đồi thiếu nữ. Đôi lần muốn tự mình thưởng lãm vẻ đẹp lạ kỳ của thiên nhiên nên lang thang nhìn ngắm, mong tận hưởng bức tranh sống động ấy để như một duyên cớ tạo mạch nguồn cảm xúc đang sắp khô cạn bởi những xô bồ cơm áo…

Ta không nhan sắc mặn mà, vậy mà thi thoảng nghe câu khen gái La Hai vẫn thẹn thùng đỏ hồng đôi má. Vô tình làm người dưng thốt lên “cái đẹp con gái phố núi nằm trong nụ cười e ấp”, để tự nhủ thầm rằng: “Ta cũng là đứa con phố núi…”.

NGUYÊN HẬU

Về Suối Mây ăn cúng Đổ Đầu

02 Tháng Hai 2011 9:00 CH (GMT+0700)
 
 
Một năm dài bôn ba ngược xuôi với bao nỗi lo cơm áo, cuối năm, nhớ lời hẹn cũ, tôi lại về thôn Suối Mây (xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) để cùng ăn cúng Đổ Đầu với đồng bào Chăm Hroi.

SUOI-MAY-110202.jpg
Lễ tưới huyết rượu với lá chùm hôi lên đôi tay người trụ cột gia đình

Già làng Mười đón tôi ở đầu thôn. Năm nay, vụ mùa bội thu hơn nên không khí Tết rộn ràng, thể hiện rõ nét nhất ở những tấm váy hoa thổ cẩm thấp thoáng bên liếp nhà sàn và mùi rượu cần thơm ngây ngất.

Lễ cúng Đổ Đầu được tiến hành từ 25 tháng Chạp trở đi và được coi như lễ tất niên của người Chăm Hroi. Tùy vào hoàn cảnh gia đình mà có thể bày biện lễ khác nhau song nhất thiết phải có rượu cần, 3 con gà trống và một cành lá chùm hôi.

Theo già làng Mười, người Chăm Hroi vốn chăm chỉ lao động, suy nghĩ và mong muốn của họ cũng mộc mạc và chân chất. Đổ Đầu là ước vọng mọi thứ mở đầu trong năm đều thuận lợi và cả năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Cúng Đổ Đầu cũng là cúng tiễn cái xui rủi, điều không may của năm cũ đi. Bởi vậy, nếu nhà nào không cúng Đổ Đầu, năm mới sẽ không được đi đâu vì vẫn còn mang cái không tốt của năm cũ, chưa đón cái may mắn mới. Anh La Mo Tiến, phó thôn Suối Mây cho biết: “Lễ Đổ Đầu làm vào ngày nào, thì nhà đó đàn ông, đàn bà và trẻ con đều phải có mặt đầy đủ. Đàn ông dọn nhà, đàn bà lo bếp núc và sau đó làm lễ”

Lễ của người Chăm Hroi  không quá cầu kỳ nhưng đầy tôn nghiêm và thành kính. Gà  trống sau khi cắt tiết, làm lông, rửa sạch, cắt lấy hai chân để luộc riêng. Tiết gà được giữ lại một ít để làm lễ, khoảng hai phần ba còn lại đem luộc chín với gà. Tiết tươi giữ lại hòa thêm chút rượu cần lấy lần đầu từ ché rượu và lá chùm hôi vò nát.

Khi bắt đầu lễ Đổ Đầu, rượu cần được chiết ra, đem đặt giữa nhà. Gà luộc chín đem đặt vào sàn, miếng huyết chín đặt sau lưng gà, hai chân gà được buộc lại băng một sợi dây mành để sau đuôi gà. Ba con gà được đặt trên ba sàn hoặc mâm để ngang hàng với nhau. Sau khi khấn vái Giàng, thần linh tổ tiên về chứng giám và phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, người cúng sẽ xin xăm để biết là thần linh đã về đủ mặt chưa bằng hai miếng lá chùm hôi. Nếu hai mặt lá khi thảy xuống một mặt sấp, một ngửa thì xem như họ đã sum họp đủ đầy bên con cháu. Nếu không phải xin lại cho kỳ được. Đó như một nghi thức chứng tỏ lòng thành của con người. Được sự chứng giám của thần linh, người cúng sẽ tiến hành làm lễ cầu may bằng cách lấy rượu đã hòa với tiết gà cùng lá chùm hôi vò nát nhỏ lên trán, đầu các thành viên trong gia đình để cầu may cho mọi người trong năm mới. Tuy nhiên nếu ai là trụ cột gia đình, thường là vợ với chồng thì người cúng lấy rượu tiết tưới lên đôi bàn tay - tượng trưng cho sự lèo lái, chống đỡ và  xây dựng gia đình. Tất cả mọi công cụ lao động trong nhà như rìu, búa, dao rựa, chày cối... đều đem ra nhà sàn tưới rượu huyết để tạ ơn một năm ròng đã gắn bó làm ra lúa mới. Đó cũng bao hàm sự cầu an năm mới để chúng không làm trúng tay trúng chân khi trồng trọt, phát dọn mùa màng... Sau khi cúng xong, đến phần rót rượu cần mời tổ tiên, mời các thành viên và người có mặt theo thứ tự từ lớn đến nhỏ. Đặc biệt với ly rượu mời này, mọi người trước lúc uống phải nghiêng miệng ly tưới một ít xuống đất qua liếp nhà sàn để tạ ơn đất. Ngày xưa, nhà nào cũng mời thầy cúng với nhiều nghi lễ rất phức tạp, thậm chí đôi lúc còn quá cầu kỳ. Bây giờ, mọi người vẫn giữ lại truyền thống và lòng tin như cũ song họ cũng nghĩ miễn cái bụng chân thành là đủ. Các nhà đều nhờ người lớn tuổi như già làng, người có uy tín và biết cách cúng khấn Giàng là có thể tiến hành cúng Đổ Đầu.

Mó Ba, vợ già làng Mười cho biết thêm: “Ngày xưa, lễ cúng Đổ Đầu như ngày hội. Các nhà thường cùng nhau cúng, cúng xong cùng nhau ăn uống và nhảy múa. Đàn ông đóng khố, đàn bà mặc váy thổ cẩm. Tan lễ là say men rựợu, say mắt nhìn của nhau và cũng từ đó mà nhiều người thành đôi thành cặp”

Người Chăm Hroi thật thà cái bụng, không thể chối từ nên tan lễ tôi cũng chuyếnh choáng men rượu . Dù vậy, trên nếp nhà sàn của già làng, tôi vẫn nhớ mình đã hẹn năm sau sẽ trở lại để uống rượu cần và ăn Đổ Đầu cùng Suối Mây.

NGUYÊN HẬU

Phú Hội rộn ràng mùa chuối tết

29 Tháng Giêng 2011 2:00 CH (GMT+0700)


Được thiên nhiên ưu đãi, bao đời nay người dân thôn Phú Hội, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân gắn liền cuộc đời mình với cây chuối. Xuân về, Phú Hội lại rộn ràng, tất bật. Người người, nhà nhà náo nức thu hoạch những buồng chuối xanh mỡ màng, bóng bẩy, để từ đó “mượn” chân các thương lái tỏa đi khắp nơi, đến với mọi nhà, mọi miền đón tết.

Chuoi-An-Linh-110129.jpg
Nông dân thu hoạch chuối bán trong mùa tết. - Ảnh: M.NGUYỆT

Với nghề trồng chuối lâu đời, cái tên Phú Hội đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân miền núi huyện Đồng Xuân mỗi khi tết đến. Cả thôn có 3 xóm, hơn 350 hộ, thì có hơn một nửa gia đình trồng chuối. Vườn chuối trải dài và nằm khắp các khe rãnh, triền gò đồi. Giống chuối trồng nhiều nhất, cũng là loại được bà con vùng quê còn lắm nhọc nhằn, gian truân này ưa chuộng và được nhiều người tìm đến đặt mua là chuối mốc. Đây là giống chuối có hương vị thơm ngon đặc thù và có giá trị kinh tế cao, thường dùng để cúng lễ, giỗ tổ tiên. Anh Trương Đình Phúc, Trưởng thôn Phú Hội tự hào cho biết: “Từ đời ông cha cho tới đời tôi đều trồng và gắn bó với cây chuối mốc. Khoảng 10 năm trở lại đây, giá chuối tương đối ổn định và sức mua tăng, có lúc hút hàng không có để bán, cây chuối trở thành nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây. Nhiều gia đình, nhờ vào cây chuối mà có cuộc sống ổn định và nuôi dạy con cái trưởng thành”.

Về Phú Hội vào những ngày cuối năm, mới cảm nhận được sức sống ở một vùng quê miền sơn cước. Từ đầu làng đến cuối xóm, khắp nơi rộn ràng tiếng cười nói xôn xao, xen lẫn tiếng xe ô tô từ các nơi đổ về mua chuối, làm cho không gian vốn yên ả ở Phú Hội trở nên náo nức, tất bật. Nhiều thương lái từ Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn lặn lội đến đây ở lại dài ngày chờ mua gom chuối vận chuyển đi tiêu thụ trong cả nước.

Thông thường, mỗi tháng hai lần, “đến hẹn lại lên”, thương lái tự tìm đến và mua gom chuối trong hai đợt, giữa tháng và cuối tháng, thời gian kéo dài từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch, để kịp cung cấp chuối cho thị trường vào ngày rằm và mùng một. Theo nhiều người trồng chuối ở Phú Hội, giá chuối ở thời điểm này thường chỉ dao động từ 2.500-3.000 đồng/kg. Nhưng đến cuối tháng Chạp thì tăng mạnh và chuyển hình thức mua, bán từ cân ký sang buồng. Nếu mua theo nải thì giá trung bình trên dưới 15.000 đồng/nải.

chuoi-110129.jpg
Bà con thôn Phú Hội,  xã Xuân Phước huyện Đồng Xuân được mùa chuối tết. - Ảnh: N.HẬU

Đặc thù của Phú Hội là vùng đất tập trung nhiều gò đồi màu mỡ, thoáng đãng, như Rộc Mu, Ruộng Mãi, Ruộng Hường, Gò Da, Phường Thành… nên bốn mùa xanh trong sắc chuối. Chị Nguyễn Thị Phê ở xóm Cây Xoài, thôn Phú Hội, nơi tập kết chuối, cho biết: “Có hộ một lần thu hoạch từ 400-500kg chuối, đem bán, thu nhập hơn một triệu đồng. Thời điểm này, giá chuối tăng nên ai cũng phấn khởi vì có thêm điều kiện mua sắm tết”.

Theo nhiều lão nông ở vùng đất này, cánh thương lái đến từ tứ xứ, mặc dù khi mua có phân loại, mặc cả gắt gao, song vẫn phải thừa nhận rằng chuối Phú Hội có nhiều điểm khác biệt. Họ cho rằng, do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây nên buồng, quả chuối ở đây no căng hơn, mỡ màng hơn và dư vị ngọt mát hơn, đậm đà hơn so với các loại chuối ở nhiều miền đất khác.  

Trong không khí rộn ràng của người người, nhà nhà thu hoạch chuối tết, các bà, các mẹ cũng tranh thủ rọc lá chuối để chuẩn bị cho nồi bánh chưng ngày tết và bán cho các hàng quán chả nem ở chợ huyện kiếm thêm thu nhập. Ngoài sản phẩm chính, hoa chuối được tận dụng để làm các món ăn truyền thống và bẹ chuối khô dùng để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Đây không những là việc làm lúc nông nhàn, mà còn là khoản thu nhập phụ không hề nhỏ đối với người dân ở vùng quê này. Thực tế, cây chuối đã góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế rất lớn cho người dân Phú Hội.

Đi dọc thôn trong cái se sắt chớm xuân, trong màu xanh căng bóng no tròn của chuối tết, chợt thấy ấm lòng khi biết năm nay, miền quê Phú Hội sẽ đón một cái tết đầm ấm, đủ đầy.

NGUYÊN HẬU

Giữ hồn trống đôi

11 Tháng Ba 2010 11:00 SA (GMT+0700)
 
 
Khi tôi đến nhà thì đã quá trưa, bên bộ trống đôi đã hoàn tất, Ma Hải (tức là ông So Mai, người Ba Na) còn cặm cụi ngồi vót nan tre để làm giàn cho lễ xoay cột buổi văn nghệ tối. Ma Hải bắt đầu làm bộ trống đôi này từ 6 tháng trước.

trong-doi.jpg
Ma Hải bên bộ trống đôi ông mới làm xong- Ảnh: N.T.HẬU

Ông nói: “Nghề làm trống đôi đã có từ thời cha ông của mình. Bây giờ mà để mất đi thì cái bụng không yên được”. Thế nên cho dù năm nay đã bước qua tuổi 65, tiền bạc có hạn, trong khi hoàn thành một bộ trống đôi phải tốn hơn 6 triệu đồng, Ma Hải vẫn bắt tay vào làm. Một lần biểu diễn cồng chiêng phải có 5 chiêng, ba cồng và một bộ trống đôi. Mỗi độ lễ tết, nếu vắng tiếng cồng chiêng, điệu trống đôi thì núi rừng cũng ít nhiều mất đi sự rộn rã. Bởi thế, trong 6 tháng ròng, sau việc nương rẫy, Ma Hải lại miệt mài với việc làm trống. Ông cho biết: “Khó nhất là công đoạn căng da bò cho hai mặt trống để tạo âm thanh. Trống đôi có hai đầu thì mỗi đầu vỗ vào sẽ cho một âm thanh khác nhau”.

Nếu quan sát kỹ thì mặt trống bên trái (tính theo phía người mang trống ) ta sẽ thấy một lỗ nhỏ ở vị trí đồng tâm. Khi vỗ vào mặt này sẽ cho ra âm thanh gọi là “tiếng đáp”. Vỗ vào mặt còn lại sẽ nghe “tiếng đối”. Điều đó tạo sự nhịp nhàng với tiếng âm của cồng, tiếng vang của chiêng và tiếng đối đáp của trống đôi, bắt nhịp cho điệu múa xoang thiếu nữ.

Ma Hải còn cho biết thêm, da bò để làm trống phải là da bò cái già. Bò càng già, âm thanh càng vang và độ bền càng cao. Da bò đực già dày hơn rất nhiều, độ bền hơn hẳn, song lại không có tính đàn hồi nên không cho âm thanh tốt, bởi vậy hầu như người Ba Na không sử dụng để làm trống đôi. Ma Hải cũng đã cất công tìm gỗ sầu đâu từ nhiều năm trước để làm tang trống. Ông nói, gỗ sầu đâu phải thật già mới cho vân gỗ đẹp. Đóng đinh nhôm để gắn kết da bò với gỗ sầu đâu trên trống đôi cũng là một kỹ thuật khó. Người làm trống phải biết cách làm sao đóng đầu đinh đi vào gỗ thật chậm, vừa khít, để âm thanh của trống không bị loãng. Mỗi chiếc trống trong bộ trống đôi được đóng 64 đầu đinh; đinh được đóng hai hàng ở hai bên đầu trống, mỗi bên 32 đầu. Sau khi đã đóng gỗ, căng da và đóng đinh, công đoạn cuối cùng là luồn dây đeo. Dây được luồn ôm hai đầu trống và đan qua thân sao cho khi biểu diễn, người thanh niên có thể hoạt bát vỗ, đung đưa bước chân theo nhịp múa.

Năm nào, vào dịp đầu xuân, xã Xuân Quang 1 cũng tổ chức văn nghệ truyền thống. Niềm vui như đọng lại trên đôi mắt của Ma Hải và cả mọi người khi mùa xuân này, bên cạnh lời ca tiếng hát lại có thêm tiếng cồng chiêng và tiếng trống đôi. Trên mái nhà rông, Ma Hải háo hức ngồi vỗ đôi trống mới tinh vừa làm xong. Tiếng trống đôi từ bàn tay ông trỗi lên như thúc giục, như gọi mùa xuân về và ở lại với buôn làng. Thấp thoáng bên những mái nhà sàn khác, có bóng sơn nữ đang ngắm lại bộ váy thổ cẩm, chuẩn bị cho điệu xoang theo tiếng đối tiếng đáp bên ánh lửa hồng khi đêm về.

Ông Nguyễn Văn Quốc, Trưởng ban Văn hóa - Thông tin xã Xuân Quang 1 cho biết: “Xã xuân Quang 1 có năm thôn thì đã có hai thôn tập trung đồng bào Chăm Hroi, Ba Na, Ê Đê là Suối Cối 2 và Phú Tâm. Hiện nay bà con rất muốn khôi phục lại đội cồng chiêng truyền thống, nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn. Việc làm của Ma Hải thật ý nghĩa, vừa góp phần bảo tồn, gìn giữ nhạc cụ truyền thống của dân tộc, vừa giáo dục được tinh thần thế hệ sau. Nếu các ban ngành liên quan có biện pháp khuyến khích hơn nữa thì tôi tin, sắp tới các lễ hội cồng chiêng ở địa phương sẽ có thêm động lực để sống lại một cách mạnh mẽ”.

NGUYỄN THỊ HẬU

Tết, về Suối Mây uống rượu cần

13 Tháng Hai 2010 7:00 CH (GMT+0700)
 
 
 
Nếu đến thôn Suối Mây (xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) vào dịp tết, bạn sẽ được thưởng thức rượu cần ngọt đượm đầu lưỡi, loại rượu mà mới chỉ đưa hương đã thấy thơm nồng...

suoi-may.jpg
Mó Ba và Phó thôn Suối Mây La Mo Tiến bên ché rượu cần ngày sắp tết - Ảnh: N.T.HẬU

Suối Mây là thôn chỉ gồm 89 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Chăm Hroi. Người dân nơi đây sống chủ yếu nhờ vào nương rẫy. Họ trồng trọt trên đất thổ, không có ruộng để thâm canh lúa nước nên đời sống còn nhiều khó khăn. Song không vì thế mà tết ở Suối Mây kém hấp dẫn.

Tết của đồng bào thôn Suối Mây cũng bày biện nhiều loại bánh mức, cũng sắm sửa áo quần, đi chúc tết và nhất thiết không thể thiếu rượu cần. Năm nay, tôi đến thôn Suối Mây vào những ngày cuối Chạp. Từ ngày 20 tết, nhà nào trong thôn Suối Mây cũng đã chuẩn bị sẵn mấy ché rượu để mời khách quý. Già làng Mười vui vẻ mời uống rượu cần. Biết phong tục của người Chăm Hroi, chỉ mời rượu khách mà họ mến, nên mặc dù đường xa, tôi cũng không nỡ chối từ. Uống rồi mới biết cái dư vị ngọt lừ mà nồng nồng thơm hơi men đọng lại nơi đầu lưỡi .

Già làng Mười thâm trầm giảng giải cho biết cách làm rượu cần, nghe có vẻ đơn giản, nhưng kỳ thực để có ché rượu uống say mềm môi mà không biết chán là không hề dễ!

Sắn để làm rượu phải là loại sắn mì gòn, hay có thể thay bằng sắn Bình Định.  Tuyệt đối không được dùng sắn cao sản vì chất mủ nhiều, đắng và gây say sâu, có thể gây ngộ độc. Sắn tươi sau khi bào vỏ, rửa sạch phải đem nấu chín, để nguội và đem trộn men. Dùng men để ủ rượu nếp theo tỉ lệ cứ  một ché rượu = 20 kg sắn + 4 viên men và bắt đầu ủ. Hai ngày sau, cho “hợp chất” đó vào ché và phải cho trấu vào chung để sắn lên men mà không bị bẫy. Một tuần sau thì có thể dùng rượu được, nhưng ngon nhất vẫn là từ 1 tháng trở đi. Anh La Mo Tiến, Phó thôn, nói tự hào: “Rượu cần người Chăm Hroi ủ không như một số loại rượu bán bây giờ, nồng chát mà say đến váng đầu. Men rượu cần ngọt lừ, nồng đượm, lâu say nhưng đã say thì rất lâu mà không chóng mặt hay ảnh hưởng sức khỏe. Người say như thấm cái  men của gió núi, của rừng thiêng mà say vậy.”

Cuối năm, rượu cần đầy ché, cắm mấy cần vít vào, mọi người quây quanh bên nhà sàn. Gặp tiết trời cuối năm có se se đôi chút, nhắm miếng thịt nướng, uống rượu cần rồi cùng bàn chuyện mùa màng, chuyện suối chuyện rừng, chuyện năm qua tết đến… thật thú vị. Uống rượu cần cũng là một cách thể hiện sự quần tụ, giao thoa giữa mọi người. Tất cả sự chân tình, gần gũi đều như được gửi gắm qua việc uống chung ché, chung cần rượu và bàn chung câu chuyện.

Mó Ba, vợ già làng Mười kể: “Ngày xưa, cứ tới tết là trai gái tụ tập nhau lại nhà rông, trai đóng khố đánh chiêng, con gái thì mặc váy thổ cẩm múa theo nhịp chiêng, má ai cũng ửng hồng vì men rượu cần. Năm nay, mùng một tết, buôn mình cũng định vẫn tổ chức đánh cồng chiêng, vẫn nhảy múa ở nhà rông nhưng màu thổ cẩm không còn vì nghề dệt đã mai một. Chỉ đôi má thiếu nữ thì chắc là vẫn hây hây bởi men rượu cần!”. Anh La Mo Tiến nói thêm: “Từ 27 tết trở đi, người Chăm Hroi có tục cúng đỗ đầu để tống tiễn năm cũ, cầu may năm mới cho ruộng nương màu mỡ, mùa màng tươi tốt, cầu sức khỏe cho mọi người. Lễ cúng đỗ đầu mà không có rượu cần là mất cả ý vị”.

Chỉ còn mấy ngày nữa là tết, tiết trời vàng nắng, ngồi trên liếp nhà sàn vít cong cần rượu ngọt đậm, nghe già làng kể chuyện tết, chuyện xưa mà thấy lòng cũng vui lây. Tôi hẹn với già làng Mười, với bà con thôn Suối Mây, tết Canh Dần này sẽ về thôn cùng đồng bào uống rượu cần.

NGUYỄN THỊ HẬU

Nghề đan ky ở Thạnh Đức

15 Tháng Sáu 2010 11:02 SA (GMT+0700)
 
 
 
Vụ hè thu vừa xuống giống xong cũng là lúc người dân ở thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) tất bật với công việc đan đát những vật dụng như ky, giỏ, bồ... Bao đời nay, việc dùng cây mò o làm nguyên liệu đan đát đã gắn liền với miếng cơm manh áo của người dân nơi đây.

Dank100915.jpg
Ông Trần Lạc biết vót nan từ cây mò o và đan đát khi mới lên 8 tuổi - Ảnh: N.HẬU

Xóm Thạnh Thượng, thôn Thạnh Đức có hơn 140 hộ dân thì hầu như nhà nào cũng có người biết đan ky, đan giỏ, đan bồ… Ông Trần Lạc, năm nay 78 tuổi, có thâm niên 70 năm vót nan từ cây mò o để đan đát. Ông Lạc cho biết, nghề đan truyền thống này đã có từ rất lâu và được lưu truyền từ đời này qua đời khác để làm kế mưu sinh. Cứ khoảng 10 cây mò o đốn về thì đan được một đôi ky. Nói thì dễ song để làm được một đôi ky hoàn chỉnh phải tỉ mẩn vót từng cật nan mò o sao thật mảnh, đan léo từng phân đoạn cực kỳ công phu. Nan cũng có bốn loại khác nhau tùy từng công đoạn mà có tên gọi cụ thể như nan công dùng đan từ dưới lên gọi là gầy ky, nan đương dùng siết vòng quanh thân, nan léo dùng để kết lại miệng ky và nan viền để tăng độ bền chắc cho vật dụng. Không tính công đi chặt mò o, nếu một người lớn vừa vót nan, vừa đan thì mất khoảng một ngày đan xong một đôi ky, hoặc 4 cái giỏ cắt cỏ, với giá bán hiện nay khoảng 18.000 – 20.000 đồng/đôi ky.

Ky cũng có hai loại vì được phân theo công dụng và hình dáng gồm ky gánh và ky quai. Ky gánh chỉ chuyên dụng trong gia đình, còn ky quai lớn hơn và được đan thêm hai quai ở hai bên hông có thể vận chuyển một lượng lớn nông sản, rau củ quả khi vào mùa vụ. Đan ky khó nhất là công đoạn gầy ky, vì đòi hỏi sức mạnh từ đôi bàn tay để siết nan thật chặt và đều, từ đó làm nền để đan tiếp lên thân ky. Bởi vậy, sau công đoạn này, trẻ con có thể tiếp tục đan hết phần còn lại để phụ giúp cha mẹ. Còn nếu đan giỏ sẽ dễ hơn vì giỏ dùng để đựng cỏ chăn nuôi gia súc nên ô thưa hơn, không cần khít ô và công đoạn léo cũng đơn giản, ít tốn nan. Mùa hè, trẻ con xóm Thạnh Thượng ít đi chơi long nhong, thường quanh quẩn ở nhà vót nan, phụ đan giúp cha mẹ để kiếm tiền học phí lo cho năm học mới. Có nhiều cô cậu bé chừng hơn 10 tuổi mà đôi tay đã đan thoăn thoắt như những người chuyên nghiệp.

Xóm đan ky rộn ràng nhất là vào tháng giêng, sau Tết Nguyên đán. Khi mùa sắn bắt đầu thu hoạch, nhiều nông dân ở vùng khác, kể cả thương lái sắn cần rất nhiều ky quai để vận chuyển, nên giá ky thời điểm này có khi tăng lên 30.000 – 40.000 đồng/đôi. Chị Võ Thị Kim Dung ở xóm Thạnh Thượng, cho biết: “Tôi về làm dâu ở Thạnh Thượng hơn 20 năm thì cũng ngần ấy thời gian gắn bó với công việc đan đát. Cái nghề này chủ yếu bỏ công sức lao động và có thể tranh thủ được thời gian rỗi rãi để kiếm thêm thu nhập cho gia đình”.

Cách đây chừng 10 năm, cứ một ngày đi chặt mò o về họ có thể đan được 6 – 7 đôi ky. Còn bây giờ, mò o ngày một khan hiếm nên nguồn nguyên liệu cho việc đan đát cũng khó khăn hơn. Ngày xưa, lực lượng thanh niên là chủ lực trong việc đan đát, còn hiện nay đa số họ đi tứ phương lập nghiệp nên việc đan đát tuy nhà nào cũng có song chỉ dừng lại ở mức nhỏ lẻ. Ông Huỳnh Khắc Quý, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 3, cho biết: “Cái khó nhất là người dân làm theo kiểu tranh thủ thời gian, không tập trung và cũng không chuyên tâm vào đan đát một loại vật dụng nào, họ đan giỏ, đan ky và cả đan bồ. Bởi vậy, để phát triển thành làng nghề có quy mô là điều rất khó khăn”.

Mặc dù chưa thể gọi là làng nghề, song xóm đan ky vẫn cứ một “quỹ đạo” yên bình như thế: phảng phất hương cật mò o mới vót và bóng các chị, các bà sau buổi làm đồng trở về lại miệt mài bên chiếc ky làm dở cho kịp buổi mai xuống chợ.

NGUYÊN HẬU

Khoảnh khắc giao mùa

05 Tháng Hai 2011 11:00 SA (GMT+0700)
 
Buổi sáng, nghe tiếng sương cựa mình trên từng mép lá. Gian trầu không im lìm ngủ quên trong gió sớm, không cần bàn tay người đánh thức mỗi sớm mai nữa. Không gian tĩnh lặng và dịu vợi, khoan thai cho khúc giao mùa…

cuc110125.jpg
Hoa vàng đồng nội

Mẹ đi trong sương mai của ngày tết. Hoa đèn và giấy đỏ. Những hàng mộ nhỏ cũng thấp thoáng trong sương sớm. Tất cả thơm và ấm mùi cỏ, mùi của sự yên nghỉ vĩnh hằng, mùi của lòng hoài cổ muôn đời. Mùi của hương trầm tỏa ngát, quyện với đất trời, với lòng thành kính trở nên trầm mặc. Và tết đến, người đã khuất trong nhẹ nhàng hương khói.

Con nhớ thời gian đằng đẵng tha phương. Cuối năm, bắt chuyến tàu cuối về quê, gặp những ngôi mộ nhỏ nằm thấp thoáng trong sương với những vòng hoa dâng tháng Chạp tươi nguyên là bao ồn ã, bao toan tính thị thành dường bỏ lại phía sau lưng.

Làng vào những ngày cuối tháng Chạp vươn trong sương khói. Sương của cái lạnh ngày đông vướng víu và khói của lá khô vườn nhà. Vườn rộng, mẹ gom hoài lá khô cho quang đãng. Khói lá cay cay, hăng hắc sao vẫn thấy âm ấm và đầy dư vị. Đó là khói gợi ký ức, gợi tháng năm và gọi bao đứa con còn mải mê công danh trở về nhà đêm ba mươi tết.

Nắng vừa lên, mẹ đem cốm ra hong. Thật lạ, có bao thức quà ngập tràn hàng quán, mẹ vẫn cứ giữ thói quen với cốm in mía mật, với bánh men bánh thuẫn, mứt gừng. Chuối trong vườn đã chín. Mẹ cắt gọn gàng bày hết lên mâm ngũ quả đặt trân trọng nơi bàn thờ song vẫn còn mấy buồng nơi góc vườn. Lũ dơi rúc rích, mẹ khoan dung bảo để dành cho chúng ngày xuân. Sáng đêm, ổi, khế chín bị chúng tha đi rơi rớt khắp vườn, thoang thoảng ngát hương. Vẳng bên bờ sông tiếng ai đập chiếu, rồi những tấm áo hoa phơi trong nắng. Tất cả như gọi về hương vị thơm tho cho ngày tết.

25 tuổi, ta về trong áo khăn lượt là thiếu nữ. Chợt nhớ cái thuở còn xúng xính trong áo xanh áo đỏ, trong chiếc vòng ngũ sắc mẹ mua chuẩn bị chơi xuân. Và dù mới hăm hai tết, đang mải mê rồng rắn đồ hàng mẹ gọi về thử, ướm vào rồi chẳng chịu thay ra nữa. Để tối hăm ba, trong giấc mơ toàn lấp lánh màu sắc của chiếc áo mới, của cảm giác sột soạt trong làn vải hoa rực rỡ…

Ta trở mình khi vừa tinh mơ, vô tình làm giật mình chú chuồn chuồn ngủ trên đóa hoa vạn thọ ươm vàng. Vô tình thấy chị đứng bên gốc khế thật lâu. Chị đẹp trong nỗi khát khao viên mãn. Hoa khế lác đác rơi. Có lẽ trong thẳm sâu trái tim phụ nữ của chị vẫn còn giữ lại chút niềm riêng nào đó, thật nhẹ gợn trong tiết trời đầu xuân…

Mẹ vớt đòn bánh tét đầu tiên trong đêm ba mươi. Các con đã về, khuôn mặt mẹ  hạnh phúc tràn đầy. Khói bếp nấu bánh đêm ba mươi mỏng mảnh. Hương thời gian cả một năm trời xô bồ cơm áo dường ngưng đọng nơi làn khói ấy, nồng ấm đến lạ kỳ.

Chợt thấy ngày đến thật khẽ, nụ cười trên môi cũng thật khẽ. Dường như ai cũng sợ cái giây phút giao mùa sẽ lướt đi, mang theo cả những giây phút riêng mình từ miền sâu thẳm. Chợt muốn đan tay lại, gom hết nhớ thương năm cũ cất vào tim vì ngoài kia, trời đất đã giao mùa!

 Nguyên Hậu

Chợ quê

14 Tháng Tám 2010 8:00 SA (GMT+0700)
 
 
 
 
Hơn năm mươi năm ròng, mẹ vẫn giữ thói quen đi chợ từ tinh mơ sáng. Con đường làng hun hút uốn quanh cánh đồng đầy hơi sương tháng bảy. Đôi quang gánh một bên là rau khoai, một bên là cà cải chưa đủ nặng oằn, song vẫn mỏi đôi vai gầy theo con đường xa ngái. Tôi vẫn thường theo mẹ những buổi tinh mơ như thế. Khi tiếng gà đầu tiên báo tàn canh là mẹ tất tả rau khoai. Tôi mắt vẫn còn ngái ngủ bước thấp bước cao, một tay nắm chặt sau dây gánh. Thế nhưng lúc đi qua gò hoang, thấp thoáng trong sương nhấp nhô mấy nấm mộ, vẫn cứ hối mẹ đi nhanh nhanh. Tuổi thơ tôi với bao hình hài tưởng tượng ngô nghê làm mẹ phải bật cười…

Choque100814.jpg
Một góc chợ quê – Ảnh: N.T.HẬU

Chợ quê họp năm ngày một phiên trên một miếng đất rộng. Đơn sơ và mộc mạc. Mẹ bày rau lên hết trên đôi quang gánh, rau vườn nhà xanh roi rói, xanh đến lạ thường vì còn vướng hơi sương lành lạnh đêm qua. Những bà mẹ quê khác cũng bày cau, chuối, dưa cà, bầu bí trên một cái mẹt đan tre. Chuối cau, chuối hương, chuối tiêu xanh vàng đến vui mắt. Như đã thành thói quen, bà cụ bán chuối bao giờ cũng cất sẵn mấy trái chuối tiêu ngọt lịm, da vàng lấm tấm cánh gián đen để cho tôi. Và thể nào, khi ăn xong, trên dọc đường về, tôi vẫn còn hai trái để dành trong túi áo.

Hết hàng rau là đến hàng trầu cau. Mấy bà cụ bày vôi trầu lên chiếc sàn đan nong mốt, hăng hắc mùi thuốc lào và rễ khô. Cau xanh mướt được chặt nguyên buồng, trầu cũng xanh mướt xếp theo từng phiến lá. Bà cụ hàng trầu khi rỗi khách mua, hay kể chuyện trầu cau. Bà bảo rằng sáng đi hái trầu phải đánh thức trầu và động tay khe khẽ, có thế trầu mới xanh và khỏi giật mình. Mẹ thường không cho tôi chạy loanh quanh xa hơn vì sợ quấn chân mấy bà hàng xén khác. Tuổi thơ tôi cứ êm đềm trôi qua như thế với chuối tiêu, với bánh cam rán đường, với những gương mặt thuần hậu nơi góc chợ. Khi mẹ bán hết dây khoai cũng là lúc mặt trời lên cao, ông hàng cá cũng nhặt mấy chú rô phi nhảy lung tung ra đất để nhốt vào chiếc nơm thùng cũ kỹ dọn về. Chợ họp sớm và cũng tan sớm. Tháng năm cũng chỉ mấy thứ quà quê với rau cải xanh, rau dền đỏ hay mấy con cá câu vội bến bồi hôm qua. Chỉ có đôi gian quần áo người ta mang về từ thị trấn với đủ màu xanh đỏ làm rộn cả một góc chợ.

Thời gian đuổi dài qua màu áo cánh đồng, hết xanh ong óng lại nâu vàng màu rơm rạ. Rồi mùa đốt đồng đi qua, khói lên nhuộm phủ cả một vùng ký ức. Tôi cũng đi qua bao mùa tuổi, chỉ mẹ vẫn miệt mài những vòng dây khoai, đếm tuổi con từng bước vào đời.

Những nơi tôi đi qua nhà cao ngun ngút. Ký túc xá trông hẳn ra siêu thị mấy tầng lúc nào cũng người xe vào ra tấp nập. Mẹ bảo dì Tư bán chuối vừa mất năm rồi, ông bán cá rô phi hình như theo con về sống tận miệt ngoài… Chợ giờ cũng đông hơn và họp nhiều phiên hơn. Thị trấn mà tôi đang sống và làm việc cũng không còn những sáng chợ phiên như thế. Thi thoảng gặp một màu áo nâu, chợt nhớ dáng những người mẹ quê với những mẹt rau, chuối năm nào. Chẳng biết bà cụ bán trầu năm xưa giờ còn hay mất và trầu có còn xanh không nếu một sớm không còn ai đánh thức

Nguyên Hậu