Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2011

Cây xoài cổ làng Phú Hội

Có từ hàng trăm năm nay, cây xoài thôn Phú Hội (xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, Phú Yên)  đã như một chứng nhân thầm lặng cho bao giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Qua bao mùa nắng mưa bão lũ, cây vẫn xanh tươi che rợp một vùng. Có lẽ chính cái linh khí ấy mà bao đời, người dân thôn Phú Hội luôn được no ấm đủ đầy…

Theo lời kể của ông Nguyễn Đình Tân, năm nay 80 tuổi- người có trí nhớ gần như thuộc nằm lòng về ký ức làng xóm thì cây xoài cổ thụ này đã có cách đây gần 400 năm. Thuở ấy, vào năm 1632  ông Nguyễn Độ người huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định đã di dân vào đây để khai sơn lập địa và trồng cây xoài này. Bởi vậy, con cháu đời sau cứ truyền miệng nhau và lấy mốc thời gian đó làm nền cho sự hình thành Phú Hội bây giờ.


Trẻ con vui chơi dưới gốc xoài cổ thụ- ảnh N.H

Theo tài liệu nghiên cứu của đồng chí Bùi Tân, Hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam thì trước đây, Phú Hội nằm trong làng Cự Phú. Đến năm 1890, làng Cự Phú tách ra thành 3 làng là Phú Hội, Phú Xuân và Phước Hòa. Sau cách mạng tháng  Tám 1945, lại nhập 2 làng Phú Hội và Phước Hòa thành  xã Nguyễn Lung- tên một nhà cách mạng Văn thân 1887-1892. Đến năm 1946 thì nhập với xã Võ Thiệp thành xã Xuân Phước ngày nay.

Ngay từ khi tách ra khỏi làng Cự Phú, người ta quen gọi xứ này là xứ Lỗ Cỏ với phía tây giáp Đá Chồng, Trà Kê. Phía nam giáp cao nguyên Vân Hòa . Phía bắc giáp làng Phú Xuân và phía đông giáp làng Phước Hòa. Dưới triều Nguyễn có thiết lập một trạm thơ ở đây gọi là trạm thơ Phú Hội. Cư dân sống đông đúc quen đường số 6 bis hướng lên Sơn Hòa, Sông Hinh và Mađrăk tỉnh Đăclăc.

Do được khai sơn lập địa khá sớm và vị trí trung tâm nên làng Phú Hội có đất đai rộng rãi và trù phú nhất vùng này. Người dân sống chủ yếu bằng nghề thuần nông nhưng canh tác trên diện tích rộng. Cây xoài từ lúc mở làng đến nay đã thành cổ thụ với sức 5 người mới ôm xuở.  Bộ rễ sân si gồ ghề gần như lộ thiên với nước thời gian ăn vào từng vân gỗ. Dưới gốc xoài là một khoảng đất rộng dùng làm nơi vui chơi cho trẻ con và là sân tập kết sắn mía, chuối Phú Hội vào mùa để từ đây, xe thương lái chở đi tứ xứ.

Người già trong thôn xem cây như linh vật , ngàn đời giữ được sắc xanh ấy cũng đồng nghĩa giữ được sự trù phú, hưng thịnh cho cả làng xóm. Qua mấy mùa hạn khô bão lũ, cây cối quắc khô ngã đổ song cây xoài vẫn bình lặng đứng, bình lặng vươn cành rợp mát một khoảng không. Hằng năm, cứ vào khoảng  tháng  4 tháng 5, cây xoài trĩu quả làm món quà quê cho lũ trẻ  suốt một thời gian dài. Xoài cổ thụ cho quả nhỏ hơn song ngọt thanh, hơn hết mang lại niềm tin về sự tốt lành của “lộc trời”  ban phát. Nhiều mặc khách khắp nơi từng lưu trú tại thôn này khẳng định rằng chưa bao giờ thấy cây xoài  nào to và cổ thụ đến thế. Đã vậy, vị trí lại đứng ở trung tâm làng xóm, trông lên phía nam có Hòn Dung đá gỗ, một kỳ công của thiên tạo với hình núi đá lục giác sừng sững giữa trời như cây gỗ. Phía đông là đình làng có từ những năm 1911 do Phạm Liễng- một lý trưởng thời đó xây dựng để cầu quốc thái dân an. Tuy đình làng đã đổ nát song vẫn còn dấu vết của nền nhà đông tây, nơi hội họp và chứa lương thực chung. Phía trước vẫn còn dấu tích trụ chính với những Hán tự xưa cũ. Cây  xoài xanh tốt lạ thường và thầm lặng làm chứng nhân cho bao cuộc vật đổi sao dời.

Bấy giờ, đời sống người dân Phú Hội phát triển hơn bao giờ hết. Sản lượng lương thực, cây kinh tế nhất là sắn,mía, đậu phụng và chuối gần như chiếm tỉ lệ cao nhất xã Xuân Phước. Dự án trục dọc miền tây tỉnh Phú Yên đi qua thôn Phú Hội mở ra một cơ hội mới về thông thương phát triển kinh tế cho người dân. Cây xoài một lần nữa in dấu ấn thời gian với bao nỗi khấp khởi vui mừng   của cuộc sống  cho sự ấm no sung túc.

Với bao con người Việt Nam, giếng nước, gốc cây cổ thụ làng tự ngàn đời đã là điểm tựa tâm linh. Với người dân thôn Phú Hội, cây xoài đã trở nên gần gũi với  niềm tin yên bình muôn thuở. Bao đứa con nơi này đã phương trưởng , công thành danh toại. Có người sang tận trời Tây và mang cả hình ảnh cây xoài cổ thụ đi theo như một niềm tự hào với bạn bè xứ khác. Để rồi cũng từ đó, neo bước con người trên khắp nẻo đường danh vọng, hướng trái tim về chốn quê nhà…









Không có nhận xét nào: