29 Tháng Giêng 2011 2:00 CH (GMT+0700)
Được thiên nhiên ưu đãi, bao đời nay người dân thôn Phú Hội, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân gắn liền cuộc đời mình với cây chuối. Xuân về, Phú Hội lại rộn ràng, tất bật. Người người, nhà nhà náo nức thu hoạch những buồng chuối xanh mỡ màng, bóng bẩy, để từ đó “mượn” chân các thương lái tỏa đi khắp nơi, đến với mọi nhà, mọi miền đón tết.
Nông dân thu hoạch chuối bán trong mùa tết. - Ảnh: M.NGUYỆT |
Với nghề trồng chuối lâu đời, cái tên Phú Hội đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân miền núi huyện Đồng Xuân mỗi khi tết đến. Cả thôn có 3 xóm, hơn 350 hộ, thì có hơn một nửa gia đình trồng chuối. Vườn chuối trải dài và nằm khắp các khe rãnh, triền gò đồi. Giống chuối trồng nhiều nhất, cũng là loại được bà con vùng quê còn lắm nhọc nhằn, gian truân này ưa chuộng và được nhiều người tìm đến đặt mua là chuối mốc. Đây là giống chuối có hương vị thơm ngon đặc thù và có giá trị kinh tế cao, thường dùng để cúng lễ, giỗ tổ tiên. Anh Trương Đình Phúc, Trưởng thôn Phú Hội tự hào cho biết: “Từ đời ông cha cho tới đời tôi đều trồng và gắn bó với cây chuối mốc. Khoảng 10 năm trở lại đây, giá chuối tương đối ổn định và sức mua tăng, có lúc hút hàng không có để bán, cây chuối trở thành nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây. Nhiều gia đình, nhờ vào cây chuối mà có cuộc sống ổn định và nuôi dạy con cái trưởng thành”.
Về Phú Hội vào những ngày cuối năm, mới cảm nhận được sức sống ở một vùng quê miền sơn cước. Từ đầu làng đến cuối xóm, khắp nơi rộn ràng tiếng cười nói xôn xao, xen lẫn tiếng xe ô tô từ các nơi đổ về mua chuối, làm cho không gian vốn yên ả ở Phú Hội trở nên náo nức, tất bật. Nhiều thương lái từ Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn lặn lội đến đây ở lại dài ngày chờ mua gom chuối vận chuyển đi tiêu thụ trong cả nước.
Thông thường, mỗi tháng hai lần, “đến hẹn lại lên”, thương lái tự tìm đến và mua gom chuối trong hai đợt, giữa tháng và cuối tháng, thời gian kéo dài từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch, để kịp cung cấp chuối cho thị trường vào ngày rằm và mùng một. Theo nhiều người trồng chuối ở Phú Hội, giá chuối ở thời điểm này thường chỉ dao động từ 2.500-3.000 đồng/kg. Nhưng đến cuối tháng Chạp thì tăng mạnh và chuyển hình thức mua, bán từ cân ký sang buồng. Nếu mua theo nải thì giá trung bình trên dưới 15.000 đồng/nải.
Bà con thôn Phú Hội, xã Xuân Phước huyện Đồng Xuân được mùa chuối tết. - Ảnh: N.HẬU |
Đặc thù của Phú Hội là vùng đất tập trung nhiều gò đồi màu mỡ, thoáng đãng, như Rộc Mu, Ruộng Mãi, Ruộng Hường, Gò Da, Phường Thành… nên bốn mùa xanh trong sắc chuối. Chị Nguyễn Thị Phê ở xóm Cây Xoài, thôn Phú Hội, nơi tập kết chuối, cho biết: “Có hộ một lần thu hoạch từ 400-500kg chuối, đem bán, thu nhập hơn một triệu đồng. Thời điểm này, giá chuối tăng nên ai cũng phấn khởi vì có thêm điều kiện mua sắm tết”.
Theo nhiều lão nông ở vùng đất này, cánh thương lái đến từ tứ xứ, mặc dù khi mua có phân loại, mặc cả gắt gao, song vẫn phải thừa nhận rằng chuối Phú Hội có nhiều điểm khác biệt. Họ cho rằng, do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây nên buồng, quả chuối ở đây no căng hơn, mỡ màng hơn và dư vị ngọt mát hơn, đậm đà hơn so với các loại chuối ở nhiều miền đất khác.
Trong không khí rộn ràng của người người, nhà nhà thu hoạch chuối tết, các bà, các mẹ cũng tranh thủ rọc lá chuối để chuẩn bị cho nồi bánh chưng ngày tết và bán cho các hàng quán chả nem ở chợ huyện kiếm thêm thu nhập. Ngoài sản phẩm chính, hoa chuối được tận dụng để làm các món ăn truyền thống và bẹ chuối khô dùng để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Đây không những là việc làm lúc nông nhàn, mà còn là khoản thu nhập phụ không hề nhỏ đối với người dân ở vùng quê này. Thực tế, cây chuối đã góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế rất lớn cho người dân Phú Hội.
Đi dọc thôn trong cái se sắt chớm xuân, trong màu xanh căng bóng no tròn của chuối tết, chợt thấy ấm lòng khi biết năm nay, miền quê Phú Hội sẽ đón một cái tết đầm ấm, đủ đầy.
NGUYÊN HẬU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét