15 Tháng Sáu 2010 11:02 SA (GMT+0700)
Vụ hè thu vừa xuống giống xong cũng là lúc người dân ở thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) tất bật với công việc đan đát những vật dụng như ky, giỏ, bồ... Bao đời nay, việc dùng cây mò o làm nguyên liệu đan đát đã gắn liền với miếng cơm manh áo của người dân nơi đây.
Ông Trần Lạc biết vót nan từ cây mò o và đan đát khi mới lên 8 tuổi - Ảnh: N.HẬU |
Xóm Thạnh Thượng, thôn Thạnh Đức có hơn 140 hộ dân thì hầu như nhà nào cũng có người biết đan ky, đan giỏ, đan bồ… Ông Trần Lạc, năm nay 78 tuổi, có thâm niên 70 năm vót nan từ cây mò o để đan đát. Ông Lạc cho biết, nghề đan truyền thống này đã có từ rất lâu và được lưu truyền từ đời này qua đời khác để làm kế mưu sinh. Cứ khoảng 10 cây mò o đốn về thì đan được một đôi ky. Nói thì dễ song để làm được một đôi ky hoàn chỉnh phải tỉ mẩn vót từng cật nan mò o sao thật mảnh, đan léo từng phân đoạn cực kỳ công phu. Nan cũng có bốn loại khác nhau tùy từng công đoạn mà có tên gọi cụ thể như nan công dùng đan từ dưới lên gọi là gầy ky, nan đương dùng siết vòng quanh thân, nan léo dùng để kết lại miệng ky và nan viền để tăng độ bền chắc cho vật dụng. Không tính công đi chặt mò o, nếu một người lớn vừa vót nan, vừa đan thì mất khoảng một ngày đan xong một đôi ky, hoặc 4 cái giỏ cắt cỏ, với giá bán hiện nay khoảng 18.000 – 20.000 đồng/đôi ky.
Ky cũng có hai loại vì được phân theo công dụng và hình dáng gồm ky gánh và ky quai. Ky gánh chỉ chuyên dụng trong gia đình, còn ky quai lớn hơn và được đan thêm hai quai ở hai bên hông có thể vận chuyển một lượng lớn nông sản, rau củ quả khi vào mùa vụ. Đan ky khó nhất là công đoạn gầy ky, vì đòi hỏi sức mạnh từ đôi bàn tay để siết nan thật chặt và đều, từ đó làm nền để đan tiếp lên thân ky. Bởi vậy, sau công đoạn này, trẻ con có thể tiếp tục đan hết phần còn lại để phụ giúp cha mẹ. Còn nếu đan giỏ sẽ dễ hơn vì giỏ dùng để đựng cỏ chăn nuôi gia súc nên ô thưa hơn, không cần khít ô và công đoạn léo cũng đơn giản, ít tốn nan. Mùa hè, trẻ con xóm Thạnh Thượng ít đi chơi long nhong, thường quanh quẩn ở nhà vót nan, phụ đan giúp cha mẹ để kiếm tiền học phí lo cho năm học mới. Có nhiều cô cậu bé chừng hơn 10 tuổi mà đôi tay đã đan thoăn thoắt như những người chuyên nghiệp.
Xóm đan ky rộn ràng nhất là vào tháng giêng, sau Tết Nguyên đán. Khi mùa sắn bắt đầu thu hoạch, nhiều nông dân ở vùng khác, kể cả thương lái sắn cần rất nhiều ky quai để vận chuyển, nên giá ky thời điểm này có khi tăng lên 30.000 – 40.000 đồng/đôi. Chị Võ Thị Kim Dung ở xóm Thạnh Thượng, cho biết: “Tôi về làm dâu ở Thạnh Thượng hơn 20 năm thì cũng ngần ấy thời gian gắn bó với công việc đan đát. Cái nghề này chủ yếu bỏ công sức lao động và có thể tranh thủ được thời gian rỗi rãi để kiếm thêm thu nhập cho gia đình”.
Cách đây chừng 10 năm, cứ một ngày đi chặt mò o về họ có thể đan được 6 – 7 đôi ky. Còn bây giờ, mò o ngày một khan hiếm nên nguồn nguyên liệu cho việc đan đát cũng khó khăn hơn. Ngày xưa, lực lượng thanh niên là chủ lực trong việc đan đát, còn hiện nay đa số họ đi tứ phương lập nghiệp nên việc đan đát tuy nhà nào cũng có song chỉ dừng lại ở mức nhỏ lẻ. Ông Huỳnh Khắc Quý, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 3, cho biết: “Cái khó nhất là người dân làm theo kiểu tranh thủ thời gian, không tập trung và cũng không chuyên tâm vào đan đát một loại vật dụng nào, họ đan giỏ, đan ky và cả đan bồ. Bởi vậy, để phát triển thành làng nghề có quy mô là điều rất khó khăn”.
Mặc dù chưa thể gọi là làng nghề, song xóm đan ky vẫn cứ một “quỹ đạo” yên bình như thế: phảng phất hương cật mò o mới vót và bóng các chị, các bà sau buổi làm đồng trở về lại miệt mài bên chiếc ky làm dở cho kịp buổi mai xuống chợ.
NGUYÊN HẬU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét