Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

Mộng du

29 Tháng Năm 2011 2:00 CH (GMT+0700)



“Đây có phải là giấc mơ không?”

Im lặng.

Màn đêm cựa quậy rồi rùng mình. Phía sau cũng là bóng tối dày đặc. Gương mặt đẹp với vành môi rất nhẹ sau mỗi nụ hôn dài lẩn khuất.

“Đây có phải là giấc mơ không?”

Lại im lặng. Vành môi khẽ bỏ đi. Tôi rơi hoài xuống những vực sâu hun hút. Không đau đớn, không lời oán trách nhưng toàn thân chống chếnh.


 Bao giờ Chi cũng về đúng lúc ấy, đánh thức tôi với bao mộng mị trong căn gác trọ hơn bốn mét vuông. Cánh cửa sổ duy nhất bị tòa nhà bên cạnh che khuất chỉ còn một thứ ánh sáng trắng khúc xạ sau tấm kính nhỏ. Căn phòng ngập trong những lộn xộn của những lần đi về vội vã, của vô số lần xáo trộn tìm đồ. Mùi giấy mới của những đống tạp chí chưa một lần lật mở, của mỹ phẩm, của cả vị biển Chi mang về sau chuyến đi dài ngày ở một miền quê nào xa lắc. Tôi nằm đó, lúc trống rỗng, lúc hỗn độn trong những mộng mị.

Tôi mường tượng ra những đứa trẻ anh đã dắt chúng đi. Gương mặt chúng là tấm gương phản chiếu một người phụ nữ đẹp ở đâu đó, sau bàn trang điểm, sau một cánh cửa sổ hay trên một chiếc giường. Tôi không biết gì về anh ngoài một gia đình đã vỡ và những đứa trẻ, hình như còn rất bé. Chi gần như gắt lên khi nghe hoài những lời lảm nhảm này và rủ cùng đi đến bệnh viện vì cả hai đều sắp phát điên.

Anh chưa bao giờ nói về một gia đình. Anh không thích có thêm những đứa trẻ.

“Đây có phải là giấc mơ không?”

Im lặng.

Tôi lao đến bên anh, tìm mọi ngóc ngách, xó xỉnh một tín hiệu, dấu vết của phụ nữ. Anh bình thản, mọi sự giải thích đều hợp lý và vành môi rất nhẹ. Tôi như con thác, ồn ã và lắng dịu dần khi đổ hết về hạ lưu, xuôi dòng. Anh đưa tôi về để xua tan mộng mị. Để khi đã khuất bóng, năm ngón run run chạm phải một sợi buộc tóc ai đó bỏ quên trong áo khoác mà anh khoác cho. Sợi dây với gam màu lạ mà tôi chưa bao giờ dùng.

Chi nói đi Vũng Tàu hai ngày. Vậy mà suốt một tuần chỉ còn mỗi một tín hiệu ò í e phát ra ngoài vùng phủ sóng. Đến ngày thứ tám, Chi về và đột nhiên rủ tôi uống rượu. Tôi không quen thứ men đắng chát nên rũ rượi. Chi cũng say khướt. Nó khóc, cười trong vô thức. Nó bảo quê nó đang mùa đãi sạn. Nó kể nhiều thứ, lẫn lộn. Tôi thấy mình ngụp lặn trên một con sông dài đang mùa nước cạn, những bàn chân đẫm nước, ken vàng và sần lên những hình thù kỳ dị. Ở đó có cả một người đàn bà với ba đứa con không cùng họ. Ở đó chỉ đông đúc khi mùa nước cạn, lũ lượt người ra đi từ mờ sáng gồng lưng đãi sạn và nhặt những con hến vàng nhạt bé bằng ngón tay cho bữa cơm chiều khi đã mờ mịt tối. Chi xoãi bàn chân mình. Thật lạ, Chi có khuôn mặt đẹp, một thân hình đẹp nhưng đôi bàn chân đối nghịch. Những cái móng chân màu hồng nhạt như chợt giãn dần ra, to mãi rồi vỡ nát, nhường lại cái thứ nước phèn vàng ken dày. Cái thứ váng nước mà dù có phủ lên bao nhiêu thứ sơn mới vẫn gồ ghề và sân si hằn nét rõ ràng trên từng vân móng…

Rưng rức khóc. Tôi ngủ trong nhộn nhạo của mùi cồn, nước mắt và những ảo giác.
Đã là tháng tư. Tháng tư mùa này ở quê thường mưa bất chợt. Mưa lớn như thác đổ. Đêm đến, khi ánh sáng đèn nhập nhòa le lói thì mối ra nhiều vô kể. Kiếp phù sinh này chỉ ồn ã trong một đêm mưa tạnh rồi rụng cánh chết tràn lan. Tôi mệt nhoài với những cánh mối nhẹ tênh, quét hoài vẫn bay loanh quanh tứ phía. Ngoài nghĩa trang, những cánh mối chất dày hơn nhưng chúng nằm im bởi đẫm ướt sương đêm. Bất giác, tôi thấy mình trở nên bất động xanh cỏ như những ngôi mộ im lìm.

“5 năm nữa nhé!”

“Anh cần thời gian đó. Mà cũng có thể hơn”.

“Là giấc mơ sao?”

Im lặng.

Tôi nói với anh những lời cay đắng nhất để rồi sau đó một mình ngụp lặn trong nỗi cô đơn tưởng chừng như vô tận. Tôi lại ào đến, nước mắt lại gột rửa hết mọi dỗi hờn, để chấp nhận một thế cờ tự mình sắp đặt. Cái nốt ruồi trên cổ áo cứ chập chờn ẩn hiện. Cái nốt ruồi mà cái thuở tôi còn chân đất cởi trần, ông thầy bói dạo đã phán rằng số người chỉ có thể làm kiếp tình nhân. Tôi đứng trước tấm gương mờ nước, chà xát đến bỏng rát. Tôi thương tổn chính mình như chính Chi từng làm thương tổn đôi bàn chân tội nghiệp. Sự thương tổn để chối từ những ý nghĩ cứ chập chờn ẩn hiện trong trí óc.
Tôi xua đi cảm giác trống vắng và cô đơn tột độ với lịch làm việc dày đặc. Tôi sợ những lập trình cũ kỹ nhàm chán như một quỹ đạo xoay vòng sẽ làm thừa thãi bao nhiêu thời gian để tôi có sức hoài nghi chính mình. Vậy nên cho dù đã nộp bài đủ định mức, tôi vẫn lao đi với những chuyến đi dài ngày, tận hang cùng ngõ hẻm để tự đày đọa mình quên đi và  chỉ trở về nhà khi đã mệt nhoài.

Vậy mà hằng đêm, trước khi chìm vào mộng mị, có cả chục cuộc điện thoại được gọi đi chỉ để nghe một tiếng ò í e vô nghĩa. Mọi thứ với anh đều thật nhẹ, thật bình thản.

Đã có lúc tôi thử bỏ đi đâu đó để rồi chỉ mấy ngày, như con thú bị thương, cần vành môi rất nhẹ ấy xóa hết những đau đớn, bụi bặm đợi chờ. Đã có lúc tôi thề sẽ bóp vụn trái tim ấy chỉ để cất kỹ cho riêng mình.

Tôi mơ nhiều về người phụ nữ ấy hơn. Chi cười ngạo nghễ, chỉ cho tôi con đường phía trước. Tôi đi chân trần, đạp lên vô số những cánh mối mỏng tang. Có cánh vươn trên tơ nhện phất phơ trước gió. Tôi lại hóa thành cánh mối mắc trên hằng hà tơ nhện…

Chi rũ xuống như một tàu lá héo. Suốt một tuần liền nằm liệt. Điện thoại reo liên hồi rồi tắt lịm. Cái tạp chí của nó thiếu những tin giật gân và sốt dẻo quả cũng sốt ruột. Chi hay nhếch mép trước những bài viết của chính mình, cái mà nó nói “chỉ toàn, những chuyện xương xẩu”. Có ai ngờ người đàn ông mà nó gọi “người tình không tuổi” lại chính là cố nhân của mẹ mình.

Chi trầm tĩnh hơn lúc bước lên tàu. Bấy giờ đã cuối tháng tư, sông đang mùa cạn nước. Tôi trở về với sự cô đơn. Bỗng chốc mọi thứ trở nên dễ chấp nhận hơn bao giờ hết. Tôi nghĩ đến ngày anh đến tìm ở nơi này nhưng không gặp. Sẽ gọi nhưng chỉ nhận được những âm thanh vô nghĩa. Tôi nghe tiếng Chi hòa trong tiếng nhà ga ồn ã “Nước hến đục ngầu nhưng rất ngọt”. Lần đầu tiên, tôi ngủ một giấc dài không mộng mị…

<>

Không có nhận xét nào: