Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Tết, về Suối Mây uống rượu cần

13 Tháng Hai 2010 7:00 CH (GMT+0700)
 
 
 
Nếu đến thôn Suối Mây (xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) vào dịp tết, bạn sẽ được thưởng thức rượu cần ngọt đượm đầu lưỡi, loại rượu mà mới chỉ đưa hương đã thấy thơm nồng...

suoi-may.jpg
Mó Ba và Phó thôn Suối Mây La Mo Tiến bên ché rượu cần ngày sắp tết - Ảnh: N.T.HẬU

Suối Mây là thôn chỉ gồm 89 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Chăm Hroi. Người dân nơi đây sống chủ yếu nhờ vào nương rẫy. Họ trồng trọt trên đất thổ, không có ruộng để thâm canh lúa nước nên đời sống còn nhiều khó khăn. Song không vì thế mà tết ở Suối Mây kém hấp dẫn.

Tết của đồng bào thôn Suối Mây cũng bày biện nhiều loại bánh mức, cũng sắm sửa áo quần, đi chúc tết và nhất thiết không thể thiếu rượu cần. Năm nay, tôi đến thôn Suối Mây vào những ngày cuối Chạp. Từ ngày 20 tết, nhà nào trong thôn Suối Mây cũng đã chuẩn bị sẵn mấy ché rượu để mời khách quý. Già làng Mười vui vẻ mời uống rượu cần. Biết phong tục của người Chăm Hroi, chỉ mời rượu khách mà họ mến, nên mặc dù đường xa, tôi cũng không nỡ chối từ. Uống rồi mới biết cái dư vị ngọt lừ mà nồng nồng thơm hơi men đọng lại nơi đầu lưỡi .

Già làng Mười thâm trầm giảng giải cho biết cách làm rượu cần, nghe có vẻ đơn giản, nhưng kỳ thực để có ché rượu uống say mềm môi mà không biết chán là không hề dễ!

Sắn để làm rượu phải là loại sắn mì gòn, hay có thể thay bằng sắn Bình Định.  Tuyệt đối không được dùng sắn cao sản vì chất mủ nhiều, đắng và gây say sâu, có thể gây ngộ độc. Sắn tươi sau khi bào vỏ, rửa sạch phải đem nấu chín, để nguội và đem trộn men. Dùng men để ủ rượu nếp theo tỉ lệ cứ  một ché rượu = 20 kg sắn + 4 viên men và bắt đầu ủ. Hai ngày sau, cho “hợp chất” đó vào ché và phải cho trấu vào chung để sắn lên men mà không bị bẫy. Một tuần sau thì có thể dùng rượu được, nhưng ngon nhất vẫn là từ 1 tháng trở đi. Anh La Mo Tiến, Phó thôn, nói tự hào: “Rượu cần người Chăm Hroi ủ không như một số loại rượu bán bây giờ, nồng chát mà say đến váng đầu. Men rượu cần ngọt lừ, nồng đượm, lâu say nhưng đã say thì rất lâu mà không chóng mặt hay ảnh hưởng sức khỏe. Người say như thấm cái  men của gió núi, của rừng thiêng mà say vậy.”

Cuối năm, rượu cần đầy ché, cắm mấy cần vít vào, mọi người quây quanh bên nhà sàn. Gặp tiết trời cuối năm có se se đôi chút, nhắm miếng thịt nướng, uống rượu cần rồi cùng bàn chuyện mùa màng, chuyện suối chuyện rừng, chuyện năm qua tết đến… thật thú vị. Uống rượu cần cũng là một cách thể hiện sự quần tụ, giao thoa giữa mọi người. Tất cả sự chân tình, gần gũi đều như được gửi gắm qua việc uống chung ché, chung cần rượu và bàn chung câu chuyện.

Mó Ba, vợ già làng Mười kể: “Ngày xưa, cứ tới tết là trai gái tụ tập nhau lại nhà rông, trai đóng khố đánh chiêng, con gái thì mặc váy thổ cẩm múa theo nhịp chiêng, má ai cũng ửng hồng vì men rượu cần. Năm nay, mùng một tết, buôn mình cũng định vẫn tổ chức đánh cồng chiêng, vẫn nhảy múa ở nhà rông nhưng màu thổ cẩm không còn vì nghề dệt đã mai một. Chỉ đôi má thiếu nữ thì chắc là vẫn hây hây bởi men rượu cần!”. Anh La Mo Tiến nói thêm: “Từ 27 tết trở đi, người Chăm Hroi có tục cúng đỗ đầu để tống tiễn năm cũ, cầu may năm mới cho ruộng nương màu mỡ, mùa màng tươi tốt, cầu sức khỏe cho mọi người. Lễ cúng đỗ đầu mà không có rượu cần là mất cả ý vị”.

Chỉ còn mấy ngày nữa là tết, tiết trời vàng nắng, ngồi trên liếp nhà sàn vít cong cần rượu ngọt đậm, nghe già làng kể chuyện tết, chuyện xưa mà thấy lòng cũng vui lây. Tôi hẹn với già làng Mười, với bà con thôn Suối Mây, tết Canh Dần này sẽ về thôn cùng đồng bào uống rượu cần.

NGUYỄN THỊ HẬU

Không có nhận xét nào: