07 Tháng Tám 2010 1:08 CH (GMT+0700)
Nàng rời cơ quan với tâm trạng mệt mỏi. Chiếc điện thoại trong túi xách giờ cũng đã không còn đổ chuông nữa. Nàng mở cửa và chẳng bật công tắc điện. Ngoài phố đã lên đèn. Chúng hắt ánh sáng nhợt nhạt lên ô cửa kính tạo những mảng tranh tối tranh sáng cho căn phòng. Lúc này, một không gian như thế lại làm cho nàng cảm thấy bình yên hơn.
“Nhã San, sao em không nghe máy?”
“Nhã San,hãy cho anh một cơ hội…”
“Nhã San…”
22 tin nhắn. Nàng co rúm người trên chiếc ghế sofa nơi phòng khách. Có tiếng muỗi vo ve trên cánh tay, những hình ảnh giữa hiện tại và quá khứ cứ vây lấy nàng.
***
“Bố con đâu hả mẹ?” - câu hỏi đó cứ lặp đi lặp lại suốt tuổi thơ của nàng.
“Không, con chỉ có mẹ và chỉ hai mẹ con mình là đủ!”.
11 tuổi, nàng hay khóc ở trường mỗi khi nghe đứa bạn bảo: “Bố vừa mua cho mình con búp bê. Nó biết cười và cả khóc nữa! Nhã San sẽ không bao giờ có vì bạn không có bố!”. Thế nhưng, khi trở về nhà, nhìn ánh mắt lo âu và vòng tay âu yếm của mẹ, nàng lại tin: “Ừ, chỉ mẹ con mình là đủ!”.
Nàng về nhà sớm hơn mọi ngày . Có một đôi giày phụ nữ - nhà nàng có khách. Mà sao lạ quá,chỉ có tiếng người khách và sự im lặng đến khó hiểu của mẹ: “Nỗi đau lớn nhất của người phụ nữ là bị tước đoạt mất người đàn ông của mình… Mà làm sao chị hiểu được điều này…”.
Hôm đó là sinh nhật lần thứ 16 của nàng.
***
Tách cappuccino sóng sánh đổ tràn xuống mặt bàn khi Huy nắm lấy tay nàng: “Anh biết điều đó…, nhưng Nhã San à, em đã vô tình trở thành một thứ quá lớn trong cuộc đời anh rồi…”
Hương cappuccino len đầy góc quán. Nàng thấy phảng chiếu nơi mặt kính là gương mặt mẹ nàng, dịu dàng, khổ đau và cam chịu.
Xếp lại tất cả công việc ở tòa soạn, nàng xin nghỉ phép hai tuần. Nàng cũng không có ý định về nhà vì sợ nhìn vào ánh mắt thẳm sâu và mênh mông của mẹ. Mấy cây hoa dầu cuối phố đổ bóng xuống lòng đường hiu hắt.
***
Già làng Chơ-ro đón nàng như đón đứa con trở về với núi rừng. Đây là lần thứ hai nàng trở lại nơi này. Đêm nay làng Chơ-ro mở hội. Trăng tuôn đầy trên mái nhà rông. Rượu cần chung chiêng, nàng cũng chung chiêng… Già Chơ-ro không hỏi song vẫn nhận thấy sự đổi khác nơi nàng. “Con đang chạy trốn chính mình. Rừng chỉ cho con sự bình yên chứ không thể cho con tìm cái gì đã mất…”. Trên vách nhà rông còn treo tấm ảnh cả đoàn khi tới đây làm phóng sự. Nàng nhìn ra những tán lá lấp lóa ánh trăng để tránh cái nhìn của Huy từ nơi ấy.
“Thừa em ở phía đời anh/ Thiếu em ở phía đời dành cho em/ Ước gì ta được hóa thêm/ Hai người nữa để ấm êm hai nhà…” - Nàng lẩm nhẩm mấy câu thơ của một tác giả nào đó như để tự nói với trái tim mình.
Suốt mấy ngày nàng rong ruổi theo những khe suối để chụp ảnh. Thiên nhiên hoang dã, nước suối ngọt mát và những chàng trai cô gái Chơ-ro đáng yêu cuốn nàng vào một cuộc sống mới. Một cuộc sống rực rỡ sắc màu thổ cẩm. Nàng tập trung những đứa trẻ lại thành một lớp học nhỏ. Chúng háo hức nghe nàng kể về một thế giới đầy những điều kỳ thú mà nàng biết và cần mẫn tập viết những chữ cái mà nàng dạy. Không biết bằng cách nào mà Huy biết nàng đang ở đây. Huy đến, gương mặt hốc hác, gầy rộc. “Đầu tháng sau, anh sẽ sang Canada định cư. Chúng ta cần một sự thay đổi, và người đó sẽ là anh…”.
Sân bay đông nghịt. Nàng không dám ra tiễn một mình. Nàng không dám nhìn vào ánh mắt ẩm ướt của chị, hai sự yếu đuối chạm nhau sẽ tạo thành một khoảng lặng!
Nàng nắm chặt tay Dũng. “Tiếc là hai người không kịp dự đám cưới của Nhã San!”. Dũng cũng siết tay nàng thật chặt, mặc dù Dũng biết, nàng chỉ coi mình như một tấm bình phong, ngay cả lúc này và cả những khi bị mẹ thúc giục, nàng hay đưa Dũng về nhà…
Huy vẫn mail cho nàng vào mỗi tháng, hỏi về đám cưới và kể về những mùa thu lá phong. Mùa này, rừng Algonquin cách Toronto gần 300km ngập trong sắc đỏ. Nàng thường lái xe lòng vòng trên những con đường hoa dầu quen thuộc mỗi khi rời khỏi tòa soạn. Và mỗi ngày, nàng đều nhận được tin nhắn từ Dũng “anh phải đợi bao nhiêu mùa hoa dầu nữa?”
Qua rồi cái cảm giác trống vắng đến lạ, nàng thấy lòng mình hoàn toàn bình yên, bình yên như những hàng hoa dầu cuối phố, bình yên trổ hoa và xoay tít cuối mùa…
Nguyên Hậu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét