Không hẹn mà cứ độ mùng ba tết, cả lớp lại về thăm thầy. Bao nhiêu mái đầu xanh thuở nào, giờ đã phong sương vẫn cứ trẻ thơ bên thầy. Thầy nhớ mặt, gọi tên từng đứa một. Tôi thì vô chừng. Áo cơm phiêu bạt quê người, cuối năm bắt chuyến tàu cuối về quê là tôi ghé thầy.
Vậy mà bẵng đi bốn năm ròng, tôi như cánh chim lạc đàn xa ngái, mãi đua chen với đời đã không về thăm quê, thăm thầy được.
Vẫn căn nhà ba gian, rêu phong cũ kĩ. Thầy sống một mình như thuở trước. Dù đã về hưu, thầy vẫn giữ nguyên bộ ván trước hiên nhà, cả tấm bản gỗ đã cong vênh ít nhiều vì thời gian. Tôi nhớ dạo đó tối nào cũng cùng cái Hiền, cái Du, thằng Khoa, thằng Tú sang nhà thầy học nhóm. Sáng trăng, giờ giải lao cả bọn phóng ra vườn. Đất miền Trung khô cằn sỏi đá, vậy mà những cây ổi, cây khế vẫn oằn mình chắt chiu cho quả ngọt. Có đêm, còn lén thầy ra bờ sông Ba khoả nước mát rượi rồi mới vào học tiếp.
Năm nào về tôi cũng giúp thầy dỡ giá sách xuống đem ra hong nắng. Những quyển sách mà cả một thời học sinh tôi vùi mình vào đó. Bìa sách cũ sờn, các trang hẩm màu ẩm mốc vì năm tháng nhưng những lời dẫn của thầy thì như mới hôm qua...
Đôi lần hong sách, thầy vẫn nhớ chuyện cũ nên đùa: "Trò còn ghét Natasa không? Vẫn yêu Esméralda đấy chứ?..." Và thầy cười, nụ cười bao dung độ lượng như 10 năm trước. Tôi kể thầy nghe về đám bạn. Có đứa lập gia đình, có đứa thành đạt, cũng có đứa sang mãi tận trời Tây. Ánh mắt thầy đăm chiêu đến lạ, ngỡ như mong ngóng, ngỡ như thở dài...
Sách hư hao đi ít nhiều. Lòng thầy ấm áp mênh mông vẫn không giấu nổi tiếng thở dài. Thầy bảo mình già rồi, tôi mang hết số sách đó về nhà giữ hộ thầy, xem như kỷ niệm. Thầy nói rồi quay đi, tôi vẫn kịp nhìn thấy mấy nếp nhăn trên trán thầy xô lại, khắc khoải lạ thường... Tôi biết, từng bìa sách, từng trang sách dẫu có sờn cũ đến đâu đi nữa cũng đã là máu thịt của thầy. Thầy đến với chúng tôi bằng một thế giới nhân bản đầy màu sắc, bằng Đỉnh gió hú, bằng Chiến tranh và hoà bình, bằng Epghenhi Onheghin... Ở đó có những đôi mắt trong veo đăm đăm nghe thầy giảng. Và ở đó, chúng tôi vĩnh viễn nhớ về thầy...
Tôi vuốt lại từng bìa sách phẳng phiu, lau sạch bụi và bảo rằng chỗ của chúng là ở đây-bên thầy. Và rồi năm nào tôi cũng sẽ về hong sách cùng thầy. Tôi đùa "Natasa không muốn về với con đâu thầy ạ!"
Dòng sông Ba vẫn êm ả trôi. Bốn năm tôi không về, hình như lũ bạn cũng phiêu bạt , ít về thăm thầy hơn. Thầy bảo khế ổi rụng đầy vườn, sao chẳng đứa nào về tranh nhau nữa...
Tôi ngồi bên hiên, một thoáng mênh mông chạy qua miền kí ức. Ừ, làm sao mà về được hả thầy. . .Tôi thì gần nửa đời người vẫn còn ba chìm bảy nổi, lỡ dấn thân vào nghiệp cầm bút nên cứ mãi miệt mài với những chuyến đi. Nửa đêm giật mình thức giấc, mơ tiếng gió vỗ mạn thuyền sông Ba mà ngỡ mình còn thơ dại lắm. Còn Hiền, Du, thằng Khoa, thằng Tú, tôi sợ thầy buồn nên giấu. Hiền mới lập gia đình đã lại li hôn. Du, Tú , Khoa thì bặt tin từ dạo ấy .Thôi, cứ để chúng tôi mãi trẻ thơ trong lòng thầy... Có những khoảng đời không bao giờ mất đi mà cũng chẳng bao giờ trở lại. Thi thoảng cứ trôi qua một miền nhớ nhung vô định . . .
Tháng Chạp gần kề với bao bộn bề công việc. Lần lữa mãi tôi cũng đặt chuyến tàu cuối về quê cho kịp Tết. Quê nhà bão lũ triền miên, mới đó mà hoang tàn xơ xác. Tôi về sớm hơn dự định rất nhiều vì tin bão. Tiếng còi tàu rền vang, mang theo bao ngổn ngang suốt cả chặng đường.
Nhà thầy không còn nữa. Cả một khoảng đất trống vương vãi gạch ngói vụn và dây leo cỏ dại. Sau đợt lũ, dòng sông Ba cuồng lên dữ dội, cuốn trôi tất cả. Hoang hoải. Điêu tàn .Thầy cũng bỏ làng tìm về quê cũ...
Tôi hiểu vì sao thầy đi. Chợt nhói lòng khi nghĩ đến ánh mắt thẳm buồn của thầy khi những cuốn sách bị nước cuốn đi tơi tả. . .Tôi ra vườn cũ, bàn chân khẽ khàng đạp lên mấy chiếc lá khô mà giật mình, ngỡ như vô tình đạp lên những trang sách tôi và thầy mới hong mới hôm qua...
Tôi ngồi xuống bờ sông Ba, con nước trong veo hiền hoà chảy khi phù sa đã lắng. Có tiếng vọng đò bạt đi trong gió chiều lành lạnh. Nhớ thầy da diết...
Thầy ơi, Tết lại sắp về rồi thầy ạ!
Vậy mà bẵng đi bốn năm ròng, tôi như cánh chim lạc đàn xa ngái, mãi đua chen với đời đã không về thăm quê, thăm thầy được.
Vẫn căn nhà ba gian, rêu phong cũ kĩ. Thầy sống một mình như thuở trước. Dù đã về hưu, thầy vẫn giữ nguyên bộ ván trước hiên nhà, cả tấm bản gỗ đã cong vênh ít nhiều vì thời gian. Tôi nhớ dạo đó tối nào cũng cùng cái Hiền, cái Du, thằng Khoa, thằng Tú sang nhà thầy học nhóm. Sáng trăng, giờ giải lao cả bọn phóng ra vườn. Đất miền Trung khô cằn sỏi đá, vậy mà những cây ổi, cây khế vẫn oằn mình chắt chiu cho quả ngọt. Có đêm, còn lén thầy ra bờ sông Ba khoả nước mát rượi rồi mới vào học tiếp.
Năm nào về tôi cũng giúp thầy dỡ giá sách xuống đem ra hong nắng. Những quyển sách mà cả một thời học sinh tôi vùi mình vào đó. Bìa sách cũ sờn, các trang hẩm màu ẩm mốc vì năm tháng nhưng những lời dẫn của thầy thì như mới hôm qua...
Đôi lần hong sách, thầy vẫn nhớ chuyện cũ nên đùa: "Trò còn ghét Natasa không? Vẫn yêu Esméralda đấy chứ?..." Và thầy cười, nụ cười bao dung độ lượng như 10 năm trước. Tôi kể thầy nghe về đám bạn. Có đứa lập gia đình, có đứa thành đạt, cũng có đứa sang mãi tận trời Tây. Ánh mắt thầy đăm chiêu đến lạ, ngỡ như mong ngóng, ngỡ như thở dài...
Sách hư hao đi ít nhiều. Lòng thầy ấm áp mênh mông vẫn không giấu nổi tiếng thở dài. Thầy bảo mình già rồi, tôi mang hết số sách đó về nhà giữ hộ thầy, xem như kỷ niệm. Thầy nói rồi quay đi, tôi vẫn kịp nhìn thấy mấy nếp nhăn trên trán thầy xô lại, khắc khoải lạ thường... Tôi biết, từng bìa sách, từng trang sách dẫu có sờn cũ đến đâu đi nữa cũng đã là máu thịt của thầy. Thầy đến với chúng tôi bằng một thế giới nhân bản đầy màu sắc, bằng Đỉnh gió hú, bằng Chiến tranh và hoà bình, bằng Epghenhi Onheghin... Ở đó có những đôi mắt trong veo đăm đăm nghe thầy giảng. Và ở đó, chúng tôi vĩnh viễn nhớ về thầy...
Tôi vuốt lại từng bìa sách phẳng phiu, lau sạch bụi và bảo rằng chỗ của chúng là ở đây-bên thầy. Và rồi năm nào tôi cũng sẽ về hong sách cùng thầy. Tôi đùa "Natasa không muốn về với con đâu thầy ạ!"
Dòng sông Ba vẫn êm ả trôi. Bốn năm tôi không về, hình như lũ bạn cũng phiêu bạt , ít về thăm thầy hơn. Thầy bảo khế ổi rụng đầy vườn, sao chẳng đứa nào về tranh nhau nữa...
Tôi ngồi bên hiên, một thoáng mênh mông chạy qua miền kí ức. Ừ, làm sao mà về được hả thầy. . .Tôi thì gần nửa đời người vẫn còn ba chìm bảy nổi, lỡ dấn thân vào nghiệp cầm bút nên cứ mãi miệt mài với những chuyến đi. Nửa đêm giật mình thức giấc, mơ tiếng gió vỗ mạn thuyền sông Ba mà ngỡ mình còn thơ dại lắm. Còn Hiền, Du, thằng Khoa, thằng Tú, tôi sợ thầy buồn nên giấu. Hiền mới lập gia đình đã lại li hôn. Du, Tú , Khoa thì bặt tin từ dạo ấy .Thôi, cứ để chúng tôi mãi trẻ thơ trong lòng thầy... Có những khoảng đời không bao giờ mất đi mà cũng chẳng bao giờ trở lại. Thi thoảng cứ trôi qua một miền nhớ nhung vô định . . .
Tháng Chạp gần kề với bao bộn bề công việc. Lần lữa mãi tôi cũng đặt chuyến tàu cuối về quê cho kịp Tết. Quê nhà bão lũ triền miên, mới đó mà hoang tàn xơ xác. Tôi về sớm hơn dự định rất nhiều vì tin bão. Tiếng còi tàu rền vang, mang theo bao ngổn ngang suốt cả chặng đường.
Nhà thầy không còn nữa. Cả một khoảng đất trống vương vãi gạch ngói vụn và dây leo cỏ dại. Sau đợt lũ, dòng sông Ba cuồng lên dữ dội, cuốn trôi tất cả. Hoang hoải. Điêu tàn .Thầy cũng bỏ làng tìm về quê cũ...
Tôi hiểu vì sao thầy đi. Chợt nhói lòng khi nghĩ đến ánh mắt thẳm buồn của thầy khi những cuốn sách bị nước cuốn đi tơi tả. . .Tôi ra vườn cũ, bàn chân khẽ khàng đạp lên mấy chiếc lá khô mà giật mình, ngỡ như vô tình đạp lên những trang sách tôi và thầy mới hong mới hôm qua...
Tôi ngồi xuống bờ sông Ba, con nước trong veo hiền hoà chảy khi phù sa đã lắng. Có tiếng vọng đò bạt đi trong gió chiều lành lạnh. Nhớ thầy da diết...
Thầy ơi, Tết lại sắp về rồi thầy ạ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét