Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Mù sương phố núi

22 Tháng Ba 2011 10:00 SA (GMT+0700)
 
Chảy từ chân núi La Hiên, sông Kỳ Lộ khi đi qua địa phận La Hai mang tên sông Cái, uốn khúc soi bóng cây cầu sắt trầm mặc. Thị trấn La Hai tựa một thung lũng nhỏ với thế núi nghiêng nghiêng bên đường ray chạy dài tít tắp của đường sắt Bắc Nam, và sương mù tháng tư ẩn chìm bóng áo khăn thiếu nữ. Có lẽ chính nhờ vị thế đắc địa và đặc ân của thiên nhiên mà con gái La Hai rất đẹp. Vậy mới có câu tương truyền rằng nhất gái La Hai...

cau-sat-La-Hai1100322.jpg
Cầu sắt La Hai  - Ảnh: D.T.XUÂN

NGƯỢC XUÔI NHỚ XỨ SƯƠNG MÙ

Dân tứ xứ khi xuôi tàu lửa Bắc Nam qua ga La Hai, ngang thị trấn nhỏ xíu nhưng vừa đủ thanh bình, vừa đủ sầm uất nhộn nhịp phố chợ thường ngẩn ngơ bởi không khí lãng đãng sương mù của những ngày tháng tư. Qua khu phố Long An, tưởng chừng như chỉ cần xòe tay ra là chạm ngay sườn núi, với tiếp tay kia là tiếp giáp với nước sông Cái lững lờ. Nếu về đêm, tàu đi qua ga sẽ mang một quầng ánh sáng rực rỡ, ồn ã, lướt qua những ngọn đèn hạt đỗ nhỏ xíu bên những dáng người chong chong bán thức ăn đêm.

Từ năm 1986, La Hai chính thức trở thành thị trấn huyện lỵ Đồng Xuân. Trong tài liệu nghiên cứu của ông Bùi Tân, hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam viết về địa danh Đồng Xuân, thì La Hai theo người Chăm pa xưa gọi là Giagơrai (Ergrai) có nghĩa là nước rồng. Người Chăm pa nhìn sự uốn lượn của sông Cái mà hình dung ra con rồng. Cũng bởi xuất phát từ chữ Ergrai - Nước Rồng mà khi người Việt đến sinh sống làm nên làng xóm, vẫn đặt tên cho vùng đất này là làng Phước Long. Từ “Phước” ở đây thể hiện quan niệm của người Việt, khi đặt tên làng tên xóm thường lấy những chữ như “phúc, phước, phú, đức...”, mong cho con cháu no ấm, làng xóm trường tồn.

Cho đến năm 1946, dưới thời Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, khi xây dựng xã, người ta đặt tên xã ở đây là Xuân Long. Các xóm của làng Phước Long trở thành thôn và đều đặt tên có chữ Long ở đầu như Long Thăng, Long Bình, Long Châu (hiện nay những nơi này đều trở thành khu phố thuộc thị trấn La Hai, cộng thêm khu phố Long An và Long Hà), Long Hòa, Long Nguyên, Long Mỹ, Long Thạch (đây là các thôn thuộc cánh bắc thị trấn, nay là các thôn của xã Xuân Long).

 Suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, La Hai trở thành trung tâm của chiến khu 5 tỉnh Phú Yên. Ga La Hai trở thành đầu mối giao thông quan trọng. Những chuyến tàu vào liên tục, đưa bộ đội và vận chuyển vũ khí, hàng hóa. Lực lượng từ miền Bắc vào miền Nam đều sử dụng cung đường này.

Đi qua thị trấn, có nhiều tuyến đường chính dẫn lên khắp các xã trong toàn huyện và đến các xã, huyện bạn. Song song với đường sắt Bắc Nam, có ĐT641 từ ngã ba Chí Thạnh huyện Tuy An đi qua xã Xuân Sơn Nam, đến trung tâm thị trấn, hướng lên Xuân Lãnh và đến huyện Vân Canh tỉnh Bình Định. Có ĐT642 từ ngã ba Triều Sơn - TX Sông Cầu chạy qua Xuân Sơn Bắc, đến trung tâm thị trấn, lên Xuân Quang 3, Xuân Phước và đến xã Sơn Định huyện Sơn Hòa…

Bên cạnh địa thế chung quanh đồi núi, giữa có sông nước lượn vòng, thiên nhiên lại thêm cho mảnh đất này những buổi sáng mù sương để đi vào câu hát. Sương giăng nhiều nhất là khi bước qua tháng Giêng và tháng 4. Dáng hình cầu sắt đã tạc vào thời gian lung linh bóng nước sông Cái cộng với bồng bềnh sương thành nỗi nhớ cho bao đứa con phố núi trên từng bước thăng trầm xa xứ.

Năm 2011, dự án Trục dọc miền tây Phú Yên đang được gấp rút thực hiện càng mở ra một cơ hội mới vì sự thông thương hết sức thuận lợi từ các huyện lỵ khác cũng như các xã xa xôi về trung tâm thị trấn. Đó như một dự báo về sự sầm uất và phát triển về cơ sở hạ tầng lẫn đời sống người dân nơi đây.

GIAI NHÂN PHỐ NÚI

Nhớ lúc còn ở miền Nam, tôi có anh bạn đã lớn tuổi từng đem lòng yêu cô gái La Hai. Duyên đã đượm nhưng cuối cùng xa cách. Anh chàng tha phương lập nghiệp rồi xây dựng gia đình êm ấm, vậy mà thẳm sâu trong trái tim vẫn ẩn chìm hình bóng cố nhân. Giữa đất phương Nam, từ chất giọng xứ nẫu, quen rồi thân nhau, anh bạn mới kể cho tôi nghe câu chuyện. Anh bảo con gái La Hai dịu dàng và rất đẹp. Thi thoảng về thăm quê, đất xưa mà người cũ không còn, thấy bóng áo khăn khác nghe lòng dịu vợi…

Anh bạn kia hẳn là nặng tình nhưng tiếng đồn về con gái La Hai quả không sai. Lúc mới ra trường, về thực tập tại Đài Phát thanh tỉnh Phú Yên, tôi nghe nhà báo Tường Văn và nhà báo Trí Thanh vẫn thường hay ngợi khen về nét đẹp của con gái phố núi. Lúc ấy, anh Trí Thanh, phóng viên đài, có hẳn một bài tùy bút viết về vẻ đẹp của thiếu nữ La Hai. Sau này, như có duyên kỳ ngộ, dù tuổi đời còn ít song lại được tiếp xúc, tôi quen biết và tâm giao với  một nhân vật trong bài tùy bút ấy, đó là cô Nguyễn Thị Hồng, giai nhân và cũng là một cây bút đầy nữ tính xứ này.

Đến nay, dù đã ở cái tuổi ngoại lục tuần, cô vẫn phảng phất nét thanh tao thời thiếu nữ. Đằm thắm ở sắc vóc, ngay cả dáng đứng đi và lời ăn tiếng nói cũng nhẹ nhàng từ tốn. Chợt nghĩ, giữa cái lãng đãng khói sương như trong bài hát La Hai tháng tư của cố nhạc sĩ Hoàng Thơ Huy, ngồi bên quán cà phê nhỏ sát mé chân cầu La Hai, ngắm bóng giai nhân bên phố thử hỏi tao nhân mặc khách nào không rung động, không nhớ nhung và quyến luyến vùng đất lạ kỳ này.

Nhà thơ  Đàm Chu Văn, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh  Đồng Nai và cũng là Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Đồng Nai hay đùa rằng: “Tiếng đồn con gái Phú Yên/ Đồng Nai đi cưới một thiên cá mòi”. Lúc tôi mới chân ướt chân ráo về xin chân hợp đồng ở báo Đồng Nai, cũng nhờ giọng xứ nẫu đặc sệt mà thân anh. Sau, mới biết anh cũng thiện cảm với vẻ thục nữ của con gái La Hai. Nhiều người đẹp La Hai xưa giờ theo chồng đi tứ xứ, người còn người mất và có lẽ giờ không ít người thành bà, thành cụ nhưng tiếng đồn về nhan sắc và nét duyên thầm của họ vẫn còn đến tận bây giờ. Cũng dễ hiểu vì người quân tử xưa nay vốn chuộng vẻ đẹp yêu kiều thục nữ. Con gái La Hai bây giờ vẫn cứ hây hây má hồng dù không son phấn bởi cái nắng cái gió và sương bồng bềnh phố núi. Trong se sắt của thời điểm chuyển mùa hay trong buổi sớm sương giăng, với tóc mây hờ hững, thiếu nữ phố núi đi qua cầu càng làm cho bức tranh sơn thủy trở nên thơ mộng.

Sẽ may mắn hơn nếu khách thập phương xuôi tàu ngang qua thị trấn, qua gác chắn trên đoạn đường chính nối từ UBND huyện xuống chợ, nhân lúc nữ sinh trường Lê Lợi tan trường với áo dài tinh khôi trắng phố, mới chợt ngỡ ngàng lưu luyến gửi lại một ánh nhìn qua ô cửa kính. Mà tàu lại trôi đi mang theo cả chút gì nặng nợ vô tình trên dặm đường gió bụi.

Tương truyền rằng bên cánh núi đông bắc La Hai, ban đêm khi các đường nét bị nhòa đi bởi sương giăng phủ, đứng bên hướng đồng lúa tiếp giáp chân cầu, nhìn hướng đó sẽ thấy dáng núi giống một cô gái nằm xõa tóc với nhấp nhô dốc đồi thiếu nữ. Đôi lần muốn tự mình thưởng lãm vẻ đẹp lạ kỳ của thiên nhiên nên lang thang nhìn ngắm, mong tận hưởng bức tranh sống động ấy để như một duyên cớ tạo mạch nguồn cảm xúc đang sắp khô cạn bởi những xô bồ cơm áo…

Ta không nhan sắc mặn mà, vậy mà thi thoảng nghe câu khen gái La Hai vẫn thẹn thùng đỏ hồng đôi má. Vô tình làm người dưng thốt lên “cái đẹp con gái phố núi nằm trong nụ cười e ấp”, để tự nhủ thầm rằng: “Ta cũng là đứa con phố núi…”.

NGUYÊN HẬU

4 nhận xét:

hiennguyenpy.com nói...

Sao ca ngợi con gái La Hai giữ vậy có đúng như thế không đó trời.

Nặc danh nói...

bài viêt rất hay !

cảm ơn bạn

haunguyenyenphu nói...

Gửi nặc danh- Có lẽ bạn cũng có nỗi lòng chi đó với La Hai!? Cảm ơn vì đồng cảm với tác giả nhé!

haunguyenyenphu nói...

gửi hiennguyenpy.com: Trời đất, nói dối chi trời! Hùm, nhưng đừng nhìn dung nhan khổ chủ blog này mà suy ra nhan sắc con gái La Hai nghe!! hic hic!