19 Tháng Mười 2010 7:00 SA (GMT+0700)
"Phải chi có má”- thằng nhỏ thường ước vậy mỗi khi theo cha nó lùa bầy vịt đi qua những cánh đồng đang mùa nước nổi, chấp chới từng chòm cỏ lác ngập hơn phân nửa và tiếng cá quẫy nước thâu đêm. Nó cũng hay bắt chước cha xòe mười đầu ngón chân bấm sâu vào lòng đất nhão khi di chuyển trên cánh đồng cho khỏi trượt chân và tập gút cọng cỏ lác dài để xâu những con cá bống, cá sặc con mừng nước lách đi mắc cạn. Cái gì nó cũng hỏi cha được, song chỉ có một điều duy nhất nó không bao giờ dám nhắc.
Năm 5 tuổi, cái tuổi mà ý thức về tình thân bắt đầu định hình rõ hơn đôi chút, nó hỏi về má. Thật lạ, cha nó vốn dĩ hiền lành là vậy, bỗng chốc đáng sợ lạ thường. Trên gương mặt chữ điền vuông vuông sạm nắng, nó thấy một bên cơ má ông giật giật và ánh mắt ông quắc lên, quét qua một tia nhìn giận dữ. Rồi nó 6 tuổi, vẫn những ngày rong ruổi bên đàn vịt lông xám và mang theo câu hỏi đó trong cả giấc ngủ của mình.
Năm nay mưa đến sớm. Mới đầu tháng 9 mà ruộng ngập mút bờ, cua con bò theo dòng nước xiết. Lũ cua vừa thay vỏ, non oặt ẹo cũng nhiều vô kể nên bầy vịt tròn căng. Nó mong được ở lại đây nhiều ngày hơn, được chơi nhà chòi với con Sứa trống răng, được ăn bánh dì Tư cho mỗi bận theo cha đi giao trứng vịt. Và còn chiều chiều ngồi trước sân lớp học mẫu giáo, vạch xuống đất theo chữ O cô vẽ lên bảng. Cái chữ mà chỉ cần thêm một cái miệng trống hai cái răng cửa là thành cái mặt con Sứa. Thằng nhỏ coi bộ thích thú nhất vì cái phát hiện to lớn này, nên mỗi một lần thêm một nét gì, nó lại hình dung con Sứa ngồ ngộ hơn bình thường một chút và cười suốt cả buổi chiều. Nó vẽ một chữ O to hơn, thêm râu thì thành cha. Mà cha còn ngộ hơn nhiều con Sứa. Lạ một nỗi là đi đến đâu, cha nó đều được các cô, các dì quý lắm, nhưng chưa bao giờ ông dừng lại nói với họ quá hai câu. Đôi lúc ông mang về cho nó áo len, dép nhựa cũ từ những người đàn bà ấy, song cũng tuyệt nhiên không có thứ gì cho riêng ông. Quanh năm, ông chỉ độc cái quần rách te, cộc tới gối và chiếc áo cũ phanh ngực. Thằng nhỏ hay liên tưởng đến hình ảnh nửa đêm, cha dậy rít thuốc trong lều bạt, chiếc bóng in lên vách qua ngọn đèn bão với cha lúc ban ngày không khác nhau là mấy. Dì Tư hay sai con Sứa mang khi thì bánh rán, khi thì đậu phộng thắng đường lên lều cho. Thường cha ít nhận thức ăn của ai cho bao giờ, riêng của dì Tư, ông không cấm cũng chẳng nói gì nên nó được vô tư ăn. Thi thoảng ông cũng gửi lại khi thì xâu cá, khi thì cả đó cua đồng cho dì nấu canh riêu.
Chiều nay, mây đen vần vũ. Gió về nhè nhẹ nhưng lạnh gờn gợn da.
Cha nhìn trời đất một hồi thì bắt đầu đi cắm chặt lại lều trại, quây đàn vịt thành khóm chứ không rong đi như thường lệ. Gió mỗi lúc một nhiều hơn, rồi mưa. Ban đầu nhìn về phía làng còn mờ mờ một vệt của rặng dừa nhà ông Tám Năng đầu xóm. Thoáng chốc chỉ còn lại một lớp màn trắng xóa.
Bầy vịt rạp hết xuống trong mưa, tiếng kêu lạc đi trong tiếng gió mưa ầm ào hỗn độn. Căn lều bạt hứng căng nước mưa, không chịu nổi sức chứa của nước đổ ập xuống. Hai cha con lướt thướt và rét run từng đợt. Nước ngập cả vòng giây lưới chăn bầy vịt nên chúng tán loạn khắp nơi. Gần nửa đêm, cánh đồng mênh mông nước. Cha quầy quả cõng nó lên lưng, khua bầy vịt vào thành khóm đi về hướng làng, nơi đó đất cao hơn cánh đồng.
Trời tối đen, tiếng vịt kêu thưa dần và chìm trong nước. Nước nhiều vô kể.
Mới ròng ròng tới đầu gối, tới thắt lưng rồi dần tới bụng. Có những rãnh mương mà thường ngày nó hay tát đìa, giờ chìm nghỉm giữa bao la nước nên cha sải chân mấy lần. Và lần nào, nó cũng bị ngoi nước suýt ngạt thở.
Cha phải dừng lại trên một doi đất cao hơn, cẩn thận buộc chiếc can nhựa to sau lưng nó rồi tiếp tục lần đi trong màn mưa. Phía xa, có ánh đèn bão chao lắc. Khi chân tay nó bắt đầu tê cứng và răng va vào nhau cầm cập vì lạnh, nó thấy dì Tư lách chiếc xuồng con vừa tới. Hình như xuồng bị va vào cây nên nước tràn vào, dì cứ vừa đi vừa tát nước. Khi nó yên vị trong lòng xuồng thì cha nó cũng mất hút trong làn mưa tối mịt…
Sáng, con nước rọt dần. Cha về với bầy vịt không được phân nửa. Qua một đêm mà mặt cha hốc hác và già đi trông thấy. Cha rũ xuống như tàu lá chuối xơ xác trong đêm mưa. Rồi cha kêu nó ở lại hẳn nhà dì Tư, còn ông lại lùa bầy vịt đi. Nó quẫy đạp trong tay dì Tư để cố chạy theo.
Cha huơ cây sào lùa lũ vịt lầm lũi đi, không ngoái lại. Nó rưng rức khóc.
Giờ nó không còn ngồi vạch những chữ O đầy liên tưởng ngộ nghĩnh xuống nền đất nữa mà đi học cùng con Sứa. Nó thích nhất được xuống chợ huyện bán trứng cùng dì Tư. Mỗi lúc như thế, nó ngồi hàng giờ nhìn những rổ trứng trắng hồng, tưởng như mỗi sáng còn chạy theo cha ra ổ rơm nhặt trứng của bầy vịt đẻ lúc đêm. Nó cũng chưa biết má là như thế nào nhưng lại bắt chước con Sứa kêu dì tư bằng má. Trong giấc mơ, nó hay mơ về cánh đồng xâm xấp nước. Mơ về những con cua sữa mềm và bàn chân tõe mười ngón cắm sâu vào mặt đất. Mờ sáng, nó loáng thoáng nghe tiếng vịt kêu, tiếng sào khua sau mảnh vườn nhà dì Tư. Rồi bầy vịt về đông vô kể, những con vịt tròn căng của mùa đẻ đồng. Đúng là bầy vịt lông xám đã cùng cha trở về với nó vì hình như, nó thoáng thấy mắt dì Tư như có nắng chiếu vô.
Nguyên Hậu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét